Ngày nào cũng vậy, sau giờ tan ca, anh Ngô Văn Tặng, công nhân (CN) Công ty TNHH ICS Toàn Cầu (KCX Linh Trung II, quận Thủ Đức, TP HCM), vội vã về phòng trọ tắm rửa, ăn uống qua loa rồi khoác chiếc áo đồng phục của Grab và bắt đầu công việc thứ 2 trong ngày. Nhiều tháng qua, anh miệt mài với những chuyến xe với mong muốn có thêm cái bánh chưng, nồi thịt kho cho cả nhà.
Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm
Anh Tặng kể có những hôm, ra ca trễ, anh thậm chí không kịp về nhà trọ. Chiếc áo khoác và mũ bảo hiểm lúc nào cũng để sẵn trên xe, có thời gian rảnh là anh mở app để chạy kiếm đồng vô đồng ra mua sữa cho con.
Anh Tặng quê ở Bạc Liêu, gia cảnh khó khăn nên sau khi học xong THPT, anh rời quê lên TP HCM làm CN kiếm sống rồi gặp vợ mình, cũng là CN tại KCX Linh Trung I. Đến với nhau với đôi bàn tay trắng, sau 5 năm hôn nhân, anh chị có với nhau 3 đứa con, trong đó con út mới hơn 6 tháng tuổi. Từ khi sinh bé thứ 3, vợ anh nghỉ việc ở nhà trông con. Là trụ cột chính trong gia đình nên mọi gánh nặng dồn hết lên đôi vai anh Tặng. Hằng tháng, để chi trả tất cả các khoản sinh hoạt từ tiền nhà trọ, điện, nước, tã - sữa cho các con và thuốc thang cho người cha bị bệnh tâm thần ở quê, anh Tặng lúc nào cũng quay cuồng trong công việc. Những năm trước, công ty làm ăn được, tăng ca thường xuyên, nên thu nhập của anh mỗi tháng cũng hơn 8 triệu đồng. Lúc rảnh rỗi, anh chạy xe công nghệ kiếm thêm chút ít nên cuộc sống cũng tạm đủ. Thế nhưng, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh khiến đơn hàng công ty ít đi, thu nhập của anh vì thế giảm gần 30%. Vợ nghỉ làm trong khi các con còn quá nhỏ nên anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chạy xe công nghệ. Mỗi ngày, sau giờ tan ca, anh mở app chạy đến 23 giờ mới về nhà. Có hôm nhà không còn tiền, sáng sớm 5 giờ anh lại mở app chạy tới 7 giờ 30 phút rồi vào ca, kể cả thứ bảy, chủ nhật anh cũng làm việc suốt không dám nghỉ.
Anh Tặng không đếm hết được số lần bị khách giở quẻ, xù tiền. Những lúc ấy, anh chỉ biết tự động viên mình. Anh tâm sự: "Người lớn có thể ăn uống qua loa nhưng trẻ con nhất định phải được chăm sóc đầy đủ. Nghĩ đến vợ con nên có cực mấy tôi cũng phải cố gắng. Tết sắp đến, tôi phải cày nhiều hơn để bữa cơm trong nhà có thịt, có cá".
Hoàn cảnh khó khăn nên dù 2 vợ chồng đều ở miền Tây nhưng suốt 3 năm qua, họ không được ăn Tết ở nhà. Tặng cho biết công ty anh khó khăn nên không biết có thưởng Tết không, do vậy năm nay, vợ chồng anh sẽ ở lại TP ăn Tết. "Mọi năm, chứng kiến cảnh nhà nhà sum họp, vợ chồng tôi rất chạnh lòng. Thôi thì cố gắng cày để có tiền gửi về quê cho ông bà và sắm sửa cho các con" - anh Tặng bộc bạch.
Anh Ngô Văn Tặng tranh thủ chạy xe ôm công nghệ sau giờ làm. Ảnh: THANH NGA
Luôn lo cho người thân
Tranh thủ buổi tối và những ngày nghỉ, chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ, CN Công ty TNHH Freetrend A (KCX Linh Trung II; quận Thủ Đức, TP HCM), làm công việc gội đầu, làm móng… cho các bà, các cô xung quanh xóm trọ.
Trước đây, chị Huệ từng làm việc tại một tiệm làm tóc nhưng thấy thu nhập không ổn định nên xin đi làm CN. Mấy năm trước, khi đơn hàng còn dồi dào, chị phải tăng ca liên tục, thu nhập rất ổn định. Thế nhưng, trong năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến đơn hàng của công ty giảm, CN phải thay nhau nghỉ việc nên thu nhập của chị cũng giảm một nửa. Sẵn có cái nghề trong tay, chị sắm sửa một ít đồ nghề để phục vụ nhu cầu làm đẹp của chị em trong xóm trọ. Cuối năm, đám cưới, tất niên nhiều nên nhu cầu làm đẹp của các bà, các cô cũng tăng nên chị kiếm được kha khá. Ngày đắt khách, chị cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng để trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi con. "Khó khăn là điều không ai mong muốn, do vậy vợ chồng cố gắng cày cục kiếm thêm. Có thêm nguồn thu nhập để sắm sửa Tết mà không phải vay mượn là hạnh phúc rồi" - chị Huệ tâm sự.
Từ khi chồng qua đời do bạo bệnh cách đây 6 năm, chị Lê Thị Thu Nga, CN Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Vệ sinh công nghiệp Việt Long (quận 9, TP HCM), phải cùng lúc làm 2 công việc mới có thể lo cho 2 con ăn học đàng hoàng. Đồng lương CN vệ sinh hằng tháng không đủ trang trải chi phí sinh hoạt nên buổi tối chị phải nhận thêm đồ về gia công tại nhà. Công việc này chẳng đem lại bao nhiêu thu nhập, chỉ 30.000 đồng cho 4 giờ làm việc mỗi tối nhưng chị vẫn kiên trì vì muốn có thêm chi phí lo cho các con, nhất là khi con trai lớn vừa đậu đại học. Cuộc sống còn vô vàn khó khăn nên gần như Tết nào, 3 mẹ con chị cũng ăn uống đơn giản hết mức có thể. Nơi ở của 3 mẹ con rất tạm bợ, được quây bằng tôn từ hơn chục năm trước, xi-măng nhiều chỗ sụt lún, thường xuyên bị ngập nước. "Ưu tiên của tôi lúc này là nuôi các con ăn học tử tế và có việc làm ổn định. Nếu con có tương lai tốt đẹp thì dù vất vả bao nhiêu tôi cũng chẳng nề hà" - chị Nga chia sẻ.
Nỗ lực đáng trân trọng
Theo Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình hình sản xuất - kinh doanh và thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, dù vậy vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh việc làm chưa ổn định, CN mất việc, giãn việc buộc họ phải tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại khu vực phi chính thức để có thêm thu nhập. "Một khi chưa an tâm về lương, thưởng Tết thì người lao động luôn tìm mọi cách để có thêm thu nhập. Chạy xe ôm công nghệ, nhận hàng về gia công, làm công việc thời vụ... sẽ giúp họ có thêm một khoản để trang trải chi phí sinh hoạt và lo Tết. Nỗ lực vượt khó ấy của người lao động rất đáng trân trọng" - ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Kỳ tới: Vì một mùa Xuân ấm áp
Bình luận (0)