Trong số 2,8 triệu công nhân (CN) trong khu công nghiệp, có đến 80% lao động chưa qua đào tạo, làm công việc giản đơn, có nguy cơ bị máy móc thay thế.
Tương lai bấp bênh
Anh Nguyễn Văn Sơn (37 tuổi, ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa) cho biết, trước đây anh làm CN trong Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Làm được 3 năm anh lấy vợ, rồi vợ chồng về quê làm ăn. Mặc dù ở quê giờ đã mọc lên nhiều khu công nghiệp nhưng anh vẫn không thể tìm kiếm được việc làm. Trước đó, vì nghĩ đã nhiều tuổi nên anh Sơn không muốn đi học nghề, chỉ mong tháng ngày làm đầy công, cuối tháng lĩnh lương, về già nhận sổ bảo hiểm, thế là xong.
Ngoài ra, nhiều lao động ở các khu công nghiệp cho rằng, bản thân doanh nghiệp (DN) cũng không muốn lao động đi học nghề hay nâng cao kỹ năng nghề, bởi việc này mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng tới sản xuất. Đặc biệt, với số tiền lương ít ỏi, phải tính từng ngày nên phần đa lao động không dám bỏ tiền đầu tư.
Công nhân SAMCO luôn được tạo điều kiện tiếp cận công nghệ mới để nâng cao kỹ năng nghề Ảnh: VĨNH TÙNG
Chị Nguyễn Thị Hòa (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), CN Công ty giày Hongfu Thanh Hóa cho biết: Đi học tốn thời gian lại mất tiền, còn đi làm có tiền nên chẳng ai muốn nghỉ việc đi học cả. Dù không qua đào tạo nhưng lâu nay chị vẫn được nhận vào làm công nhân. Công ty này đuổi lại xin qua công ty khác, đến nay chị đã từng làm ở 3 công ty. "Hợp đồng công ty ký với tôi là 3 năm, chỉ còn không đầy 6 tháng nữa là hết hợp đồng. Tôi đang lo sắp tới công ty mà không ký hợp đồng nữa thì không biết phải làm gì để sống. Trước đó, công ty cũng đã cho hàng trăm CN nghỉ việc khi hết hợp đồng mặc dù họ cũng mới chỉ hơn 40 tuổi" – chị Hòa lo sợ.
Thách thức "một mất một còn"
Những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là: CN nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). 5 nghề không bị robot thay thế là: Luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, nhà nghiên cứu.
Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho biết, đa phần công nhân của Việt Nam chưa qua đào tạo. Ông này cũng cho rằng CN không được dạy nghề là thiệt thòi lớn. Theo ông Thọ, đa phần lao động trong các khu công nghiệp là lao động nông nghiệp, nhiều người trong số đó chưa từng học nghề. Trong khi đó, các DN thích tuyển dụng CN không có kỹ năng, sau đó vào tập huấn ngắn hạn.
Theo ông Thọ, tới đây, cách mạng 4.0 đặt ra thách thức kiểu "một mất một còn" với CN. Nếu kỹ năng lao động của CN không thay đổi, khả năng mất việc sẽ rất cao. "Đa phần CB của chúng ta không hiểu về cách mạng 4.0. Họ không nhận biết thời cuộc đang thay đổi nếu không tự mình vận động, nâng cao kỹ năng nghề thì họ đang bước dần tới thất nghiệp" – ông Thọ nói.
Khảo sát mới đây của Viện Khoa học lao động cho thấy, một số công ty như Canon, Công ty may 10… cũng đã nhập một số dây chuyền máy móc hiện đại thay thế cho CN. Một máy cắt ở xí nghiệp may có thể thay thế cho 15 lao động trong dây chuyền. Trong khi thời gian hoàn vốn chỉ là 18 tháng, khả năng lao động bị thay thế bởi máy móc là rất hiện hữu.
Ông Phạm Minh Huân – nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, cần phải nâng cao vị thế của lao động Việt Nam. Lâu nay Việt Nam được biết đến như là quốc gia có lao động giá rẻ, làm dây chuyền. Thế nên, nếu tới đây bước vào cuộc cách mạng 4.0 thì lợi thế này sẽ bị mất đi.
Theo ông Huân, trước hết phải coi trọng việc đào tạo lao động trẻ theo công nghệ mới, thứ hai là đào tạo lại cho lao động có tuổi đang lao động mà bị mất việc. Ngoài ra cũng cần hỗ trợ lao động bằng việc tăng cường hỗ trợ từ Quỹ lao động việc làm để đào tạo lao động gặp rủi ro, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động.
Bình luận (0)