"Đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu đối với công nhân (CN) sản xuất trực tiếp". Đó là ý kiến của nhiều đại biểu dự hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phối hợp cùng LĐLĐ tỉnh Bình Dương vừa tổ chức. Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 600 đại biểu là cán bộ Công đoàn (CĐ) cơ sở, CN trực tiếp sản xuất và đại diện doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Tuổi càng cao thì sức khỏe càng giảm
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Văn Tám, đại diện Công ty TNHH SV Probe Việt Nam, KCN Việt Nam - Singapore 1 (VSIP1), cho biết theo thống kê trong khối cơ quan, đơn vị, DN nhà nước thì gần như 100% cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu đúng tuổi, trong khi đó ở DN khối ngoài nhà nước thì tỉ lệ làm đến tuổi nghỉ hưu rất ít.
Để làm rõ thêm vấn đề này, ông Tám nêu ví dụ nhiều DN thâm dụng lao động không muốn sử dụng CN lớn tuổi, biểu hiện qua hành vi tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với CN trong độ tuổi từ 35 đến 45. "Độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy và năng suất lao động của CN càng giảm, trong khi DN phải trả lương cao vì thâm niên làm việc nên nhiều chủ sử dụng lao động tìm cách sa thải lao động lớn tuổi" - ông Tám phân tích.
Công nhân Công ty TNHH Furniture Resources Việt Nam (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) làm việc 44 giờ/tuần
Đồng quan điểm, bà Võ Thị Như Nguyệt, đại diện Công ty TNHH Himaru Việt Nam, cho rằng: "Thực tế, CN trực tiếp sản xuất làm việc rất vất vả, sức khỏe bị bào mòn nhanh. Theo thống kê ở công ty tôi, CN làm việc đến độ tuổi 55 rất ít, có thể nói chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bây giờ tăng thêm tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam thì rất khó có CN nào chạm đến được để hưởng chế độ". Theo ông Mai Phú Hùng, đại diện Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, do thu nhập bấp bênh nên đại đa số CN chỉ có thể mua thực phẩm ở các chợ lề đường chứ khó có thể tiếp cận thực phẩm sạch có thương hiệu, việc này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe về lâu dài. Do vậy, thật khó buộc họ làm việc đến độ tuổi nghỉ hưu như dự thảo đề xuất.
Công nhân cần được nghỉ ngơi nhiều hơn
Bàn về việc đề xuất giảm giờ làm việc trong tuần từ 48 giờ xuống 44 giờ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày Thông Dụng, cho biết qua khảo sát ý kiến của hơn 7.000 CN đang làm việc tại công ty, tất thảy đều ủng hộ.
Theo ông Tiến, với thời gian làm việc như hiện nay, CN có rất ít thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là chăm sóc gia đình. Đại diện một DN trong KCN Việt Nam - Singapore 2 góp ý nên giảm thời gian làm việc của người lao động (NLĐ) khu vực DN từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ hay 40 giờ/tuần nhằm giảm sự bất bình đẳng với những người làm việc ở khu vực nhà nước, hành chính sự nghiệp. "Có ý kiến cho rằng giảm giờ làm của NLĐ sẽ làm giảm năng suất nhưng thực tế không phải vậy. Những năm qua, công ty chúng tôi đã cho NLĐ nghỉ làm việc 2 ngày thứ bảy trong tháng, tương ứng với việc 44 giờ/tuần nhưng năng suất lao động không giảm mà tăng hơn so với trước. Lý do là khi được giảm giờ làm, NLĐ được nghỉ ngơi nhiều hơn để tái tạo sức lao động, sau khi trở lại làm việc thì có tinh thần làm việc và đạt hiệu quả tốt hơn" - vị này chia sẻ.
Đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ trong năm của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng được đại đa số đại biểu tán thành. Đại diện Công ty CP Liwayway Việt Nam góp ý: "Nên tăng thêm ngày nghỉ lễ, Tết trong năm, đặc biệt là Tết âm lịch, để CN xa quê có thời gian bên gia đình. Theo tôi, nên tăng ngày nghỉ Tết âm lịch lên 8 thay vì 5 như hiện nay" - đại diện công ty này kiến nghị.
Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Chính sách phải linh hoạt
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là CN, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học; người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.
Bình luận (0)