Dù biết công ty gặp khó khăn nhưng mới đây, khi nhận được thông báo chính thức từ ban giám đốc là sẽ giải thể doanh nghiệp (DN) vào cuối tháng 10-2022, hàng trăm công nhân (CN) Công ty TNHH MTV Ngày Vinh Quang (vốn đầu tư nước ngoài; đóng tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vô cùng bất ngờ và hụt hẫng. Mất việc vào thời điểm này khiến họ đối mặt nhiều vấn đề bởi rất khó tìm việc mới vào những tháng cuối năm trong khi cuộc sống vô vàn nỗi lo, nhất là con cái vừa bước vào năm học mới.
Khó trăm bề
Vừa mới quay trở lại làm việc sau thời gian thai sản, nữ CN Nguyễn Thị Thanh Thúy rất sốc khi biết công ty sẽ chấm dứt hoạt động. "Trước khi nghỉ thai sản, tôi có hơn 5 năm gắn bó với công ty. Vì vậy, khi nghe tin này, không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp rất lo lắng vì thời điểm này rất ít DN tuyển dụng lao động do không có đơn hàng. Những ngày sắp tới, các gia đình có con nhỏ chắc chắn sẽ rất vất vả khi không có việc làm, thu nhập" - chị Thúy thở dài.
Việc làm bấp bênh khiến cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng - nhân viên kiểm định Công ty TNHH Cân Nhơn Hòa - hết sức chật vật.Ảnh: HỒNG ĐÀO
Không riêng công ty chị Thúy, nhiều DN dệt may, da giày quy mô lớn tại tỉnh Đồng Nai như Công ty TNHH Changshin Vietnam, Công ty CP Taekwang Vina Industrial… cũng đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng và buộc phải giảm giờ làm của CN do ảnh hưởng của dịch bệnh, lạm phát tăng cao tại các thị trường Âu, Mỹ. Tình trạng trên khiến hàng chục ngàn CN tại Đồng Nai bị giảm thu nhập, phải dè sẻn chi tiêu mới đủ lo liệu cuộc sống. Một CN đề nghị không nêu tên, làm việc tại KCN Long Bình, TP Biên Hòa, chia sẻ: "Trước đây, công ty tăng ca liên tục hơn 100 giờ/tháng nhưng hiện tại do thiếu đơn hàng, CN chỉ còn làm việc 8 giờ/ngày dẫn tới thu nhập giảm 40%-50%. Mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng khiến CN khó trụ nổi trong bối cảnh vật giá leo thang".
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại nhiều DN ở TP HCM. Công ty TNHH Freetrend A (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM) cũng không ngoại lệ. Hơn 2 tháng nay, chị Cao Thị Ngọc Cẩm chỉ làm việc đến 16 giờ 30 phút rồi về. Việc làm ít khiến thu nhập của chị Cẩm và nhiều đồng nghiệp giảm hơn một nửa trong khi chi phí sinh hoạt tăng cao. Hơn 1 tuần nay, vợ chồng chị "chóng mặt" với khoản tiền sắm sửa đồng phục, cặp sách, học phí… của 2 con gái. Nhà máy ít việc nên cuộc sống của anh Nguyễn Văn Lợi, CN Công ty TNHH Sản xuất giày Thượng Thăng (huyện Bình Chánh), hết sức chật vật. Thu nhập giảm buộc anh phải chi tiêu dè sẻn bởi anh là trụ cột trong gia đình. Cha và mẹ anh đều bị tai biến, không còn khả năng lao động, tiền thuốc thang mỗi tháng đã hết 3 triệu đồng. Để tiết kiệm, anh Lợi thường xuyên bỏ bữa sáng, buổi tối ăn tạm bánh mì hoặc mì gói qua loa.
Thắt lưng buộc bụng
Việc ít khiến thu nhập giảm, nhiều gia đình CN phải xoay xở đủ cách mới có thể trang trải cuộc sống.
Từ đầu tháng 7 đến nay, anh Nguyễn Văn Hoàng, nhân viên kiểm định Công ty TNHH Cân Nhơn Hòa (TP Thủ Đức, TP HCM), phải nghỉ 2 ngày thứ sáu và thứ bảy vì thiếu việc làm. Trước đây, tổng thu nhập của anh khoảng 12 triệu đồng/tháng nhưng trong 3 tháng gần đây, công ty ít đơn hàng nên phải giảm giờ làm, vì vậy thu nhập chỉ còn 7 triệu đồng/tháng. Vợ anh Hoàng, chị Phan Mỹ Chinh - CN Công ty CP May Sài Gòn 3 (TP Thủ Đức) - cũng nghỉ việc hơn 1 tháng nay do DN quá ít đơn hàng.
Chị Chinh và con gái lớn (7 tuổi) đã phải chuyển ra Đà Nẵng, phụ bán quán ăn cho chị ruột. Gia đình anh Hoàng vừa phải chạy vạy khắp nơi để có 10 triệu đồng lo chuyển trường và đóng tiền cơ sở vật chất cho con gái ở trường mới. Con trai nhỏ (2 tuổi) ở lại cùng cha và bà nội cũng thường xuyên đau ốm. "Khó khăn lắm vợ chồng tôi mới đưa ra quyết định này vì thu nhập thấp lại thiếu việc làm trong khi có nhiều khoản phải lo. Gia đình phải chia đôi, hai con nhớ mẹ, nhớ cha nhưng chúng tôi không còn cách nào khác" - anh Hoàng bộc bạch.
Tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty chững lại, không còn tăng ca khiến cuộc sống vốn thiếu thốn của chị Tăng Kim Thư, CN Công ty TNHH Hungway (KCX Tân Thuận, quận 7), càng thêm bế tắc. Là mẹ đơn thân nên lúc nào chị cũng phải nỗ lực gấp đôi mới đủ lo cho con, đặc biệt là con gái chị từ khi chào đời đã không may mắc chứng suy giảm trí nhớ. Vì vậy, rất nhiều năm qua, chị không dám ngơi nghỉ, ngày nào cũng ráng tăng ca đến 20 giờ kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Vất vả như thế nhưng thu nhập hằng tháng của chị cũng chỉ khoảng 8 triệu đồng - vừa đủ chi tiêu trong gia đình. Thế nhưng từ đầu tháng 9, công ty thông báo hết hàng, không còn tăng ca, thu nhập của chị chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập ít ỏi này, chị không còn cách nào khác là phải tằn tiện hết sức. Chị kể ngoài khoản chi cố định cho con là 1,2 triệu đồng/tháng tiền học phí và 30.000 đồng/ngày tiền ăn trưa thì chị phải cắt giảm mọi chi tiêu khác. Mỗi ngày chị chỉ dám bỏ ra 12.000 đồng để đi xe buýt đi làm và về nhà.
Bữa sáng và bữa tối cũng rất qua loa, khi thì ổ bánh mì không, mấy củ khoai lang, khi thì chiên cơm nguội ăn cho qua bữa. Bản thân chị mắc căn bệnh viêm tai nay đã chuyển biến nặng cũng không dám chạy chữa. "Tiết kiệm như vậy nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, tôi phải vay mượn thêm từ bạn bè, đồng nghiệp. Giờ tôi chỉ mong công ty sẽ có thêm nhiều đơn hàng, có tăng ca để tôi có tiền chữa bệnh và lo cho con" - chị bày tỏ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-9
Kỳ tới: Còn nước còn tát
Bình luận (0)