Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện trong tháng 11-2022 cho thấy thời gian làm việc của công nhân (CN) thay vì 8 giờ đã giảm còn 7,25 giờ/ngày và không có tăng ca. Quý I/ 2023, nhiều doanh nghiệp tiếp tục thu hẹp sản xuất do khan hiếm đơn hàng khiến việc làm của CN ngày càng ít đi. Không tăng ca đồng nghĩa với việc CN chỉ nhận lương cơ bản. Với mức này, họ khó có thể đủ sống.
Thiếu việc, giảm thu nhập
Tan ca, anh Kim Thanh Phương (21 tuổi), CN Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Phú Mỹ Toàn (huyện Bình Chánh, TP HCM), rảo bước về nhà trọ. Công ty cách nhà trọ chỉ 1 km nhưng lưng áo anh đẫm mồ hôi do thời tiết quá nóng nực.
Căn phòng trọ không có khóa cửa bởi theo anh Phương, bên trong chẳng có đồ đạc gì giá trị. 16 tuổi lên thành phố, anh từng làm đủ việc ở Long An trước khi được người quen giới thiệu vào chỗ làm hiện tại. Trước đây, khi đơn hàng công ty ổn định, anh Phương phải làm thêm 4 giờ/ngày, tổng thu nhập hằng tháng trên 8 triệu đồng. Đây là con số tương đối ổn, đủ để anh trang trải chi phí sinh hoạt và gửi về phụ giúp gia đình.
"Mấy tháng qua, do đơn hàng khan hiếm nên CN rất ít việc làm. Không chỉ cho CN nghỉ thứ bảy, các ngày trong tuần công ty cũng sắp xếp cho CN về sớm hơn thường lệ. "Từ sau Tết tới giờ, do không tăng ca nên thu nhập mỗi tháng giảm từ 1-2 triệu đồng. Nếu không khéo chi tiêu là tôi sẽ thiếu trước hụt sau" - anh Phương nói.
Sau khi gửi con về Sóc Trăng cho ba mẹ chăm sóc, chị Phan Thị Thúy An xin vào làm cho một công ty ở quận 12, TP HCM. Nhận việc đúng thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng nên 2 tháng đầu thu nhập của chị chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Bước sang tháng thứ 3, thu nhập giảm còn 5 triệu đồng vì ít tăng ca. Thường xuyên được nghỉ 2 ngày cuối tuần do giãn việc, chị An tranh thủ về quê thăm con. Mỗi chuyến đi về mất ít nhất 400.000 đồng. "Nghe các chị em đồng nghiệp kể ngày trước làm thêm tới tối mà ham. Tôi mong công ty sớm vượt qua khó khăn, có nhiều đơn hàng để chúng tôi được tăng ca" - chị An bộc bạch.
Cùng xóm trọ với chị An là anh Trần Văn Sơn (33 tuổi, quê Hà Tĩnh), CN một công ty chuyên về nội thất. Vợ anh Sơn là CN Công ty TNHH May Việt Hưng (quận 12, TP HCM). Trước đây, nếu có tăng ca, tổng thu nhập của vợ chồng anh được trên 15 triệu đồng/tháng nhưng nay đã giảm gần một nửa do quá ít việc làm. "Có những ngày tôi chỉ làm 2 giờ rồi về. Tôi bị thoát vị đĩa đệm không thể ngồi lâu nên cũng không thể đăng ký chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm. Mong đơn hàng công ty hồi phục để có việc làm thường xuyên" - anh Sơn nói.
Công ty ít việc nên anh Kim Thanh Phương trở về phòng trọ sớm hơn thường lệ
Không có lựa chọn khác
Nhiều tháng qua, do công ty gặp khó khăn nên thu nhập của anh Bùi Vũ Luân (quê Bến Tre) cứ trồi sụt. Có thời điểm, công ty còn chậm trả lương khiến anh phải vay mượn người thân để trang trải chi phí sinh hoạt.
Vợ anh Luân là CN Công ty TNHH PouYuen cũng không khá hơn. Những tháng đầu năm, do đơn hàng ít nên gần như không tăng ca, thậm chí còn giảm giờ làm. Thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống của vợ chồng anh hết sức khó khăn do phải nuôi 2 con nhỏ. Dù đã cố gắng xoay xở nhưng cuối cùng họ đành gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. "Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng khiến chi phí sinh hoạt cũng tăng theo. Có lúc tôi phải gọi về quê mượn tiền người thân để trang trải chi phí sinh hoạt, nhất là việc học hành của 2 con. Gửi các cháu về quê là điều vợ chồng tôi không mong muốn nhưng tôi không còn lựa chọn khác" - anh Luân kể.
Khó khăn bủa vây nhiều ngành nghề, có CN từng bỏ việc nay tìm đường trở lại nhà máy, với mong đợi được làm trong môi trường ổn định. Dù vậy, điều này không hề dễ dàng. Ba năm trước, anh Lương Quốc Tuấn (37 tuổi, TP HCM) đã quyết định nghỉ việc tại công ty xây dựng, gom hết số tiền dành dụm được để mở quán ốc. Thế nhưng, quán khai trương được vài tháng thì dịch COVID-19 bùng phát, phải đóng cửa.
Mất trắng, anh Tuấn chuyển sang làm thợ hồ hưởng lương công nhật. Do tính chất công việc thất thường và thu nhập không ổn định nên anh liên hệ công ty cũ để xin việc. Thế nhưng, câu trả lời mà anh nhận được là chờ khi nào công ty ổn định sẽ gọi. "Xin việc thời điểm này cực kỳ khó khăn, do vậy tôi chỉ còn cách quay lại với công việc thợ hồ" - anh Tuấn cho hay.
Gần 5 tỉ đồng hỗ trợ công nhân bị mất việc, giảm giờ làm
Thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM đã trao hỗ trợ cho 1.640 CN bị giảm giờ làm tại Công ty TNHH Sambu Vina Sports và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư A&T Machining. Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 1,6 tỉ đồng.
Tính đến ngày 21-4, LĐLĐ TP HCM đã phê duyệt 3.333 trường hợp với tổng số tiền 4,89 tỉ đồng. Tiền hỗ trợ đã được Công đoàn cấp trên chuyển khoản trực tiếp cho NLĐ. Hiện LĐLĐ TP HCM đốc thúc các đơn vị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để tiền hỗ trợ sớm đến tay NLĐ.
M.Chi - H.Đào
Bình luận (0)