Sau khi tỉnh Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp (DN) bắt đầu mở cửa đón công nhân (CN) trở lại làm việc. Ngoài các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã thực hiện trước đó, các DN đã linh hoạt nâng mức cao hơn nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động (NLĐ) và không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
"Có việc làm là vui rồi"
Được đi làm trở lại sau thời gian dài tạm nghỉ, nhiều anh chị em CN rất phấn khởi và tin tưởng vào những ngày phía trước sẽ tươi đẹp hơn.
Công nhân Công ty TNHH Apparel Far Eastern được test nhanh trong ngày đầu trở lại nhà máy làm việc
Chị Nguyễn Thị Tâm, CN Công ty TNHH Fotai VN (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), cho biết ở nhà hơn 3 tháng trong căn phòng trọ cảm giác rất ngột ngạt, khó chịu, đặc biệt là không có tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình. Mới đây, được công ty thông báo đi làm trở lại, không những chị mà các bạn đồng nghiệp trong công ty vui mừng khôn tả, ai cũng bắt đầu hy vọng về một cuộc sống mới. "Tôi luôn tự nhắc bản thân và các thành viên trong gia đình tuyệt đối không được chủ quan, ra đường hay vào công ty phải biết giữ an toàn cho mình, tuân thủ 5K. Đó không chỉ là bảo vệ bản thân mình mà còn cùng công ty sản xuất lâu dài, ổn định, khi đó anh chị em CN mới có việc làm, thu nhập ổn định" - chị Tâm bộc bạch.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hải, CN Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng rất háo hức khi đi làm. Anh Hải cho biết khu vực nơi anh ở thuộc "vùng xanh" nên được công ty thông báo đi làm trở lại. "Đi làm mới có thu nhập để lo cho các con ăn học và lo cho mẹ ở quê có tiền điều trị bệnh. Mặc dù đã được tiêm 2 mũi vắc-xin nhưng tôi vẫn không cho phép mình chủ quan và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch" - anh Hải nói.
Chị Trần Thị Như, CN Công ty TNHH TTI (KCN Đại Đăng, TP Thủ Dầu Một), cảm thấy may mắn khi quyết định không về quê trước đó. "Khi dịch bệnh mới bùng phát, tôi cũng có ý định về quê cùng bạn bè nhưng sau đó thay đổi và quyết định ở lại chờ ngày đi làm trở lại. Có việc làm và thu nhập thì mới bảo đảm được cuộc sống gia đình" - chị Như vui vẻ nói.
Không chủ quan, lơ là
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, đến nay đã có 3.700 DN đăng ký hoạt động theo các mô hình "3 xanh", "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến", với gần 600.000 CN. Qua khảo sát, các DN cũng chấp hành tốt các quy định phòng dịch của địa phương và thận trọng khi mở cửa trở lại.
Bà Phạm Thị Duyên, chủ quản cao cấp Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, cho biết hiện nay công ty đang thực hiện phương án "3 xanh". Trước khi cho CN trở lại làm việc, trong ngày đầu tiên, tất cả đều phải đến sớm khai báo y tế, đo thân nhiệt và làm test nhanh Covid-19 trước khi vào xưởng. Công ty cũng đã thành lập các Tổ Covid-19 để theo dõi, bảo đảm an toàn phòng dịch cho CN và tình hình sản xuất tại DN; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn CN thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch bệnh, trong đó yêu cầu CN tuân thủ 5K, quét mã QR và ký cam kết các biện pháp phòng chống dịch.
"Trong những ngày tới, công ty sẽ tiếp tục bổ sung lao động từ "vùng xanh", đã tiêm ngừa Covid-19 ít nhất 14 ngày vào làm việc nhằm bảo đảm tiến độ các đơn hàng trong những tháng cuối năm" - bà Duyên nói.
Bắt đầu thực hiện phương án "3 xanh" từ ngày 15-10, Công ty TNHH Fotai Việt Nam có khoảng 400 lao động được trở lại làm việc và tất cả đều đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Đang ở "vùng xanh"; đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin sau 14 ngày, khi tới nhà máy sẽ tổ chức xét nghiệm và có tên trong danh sách thông báo NLĐ đủ điều kiện được đi làm lại. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, cho rằng một trong những điều kiện cần thiết để DN và NLĐ được trở lại sản xuất là được tiêm vắc-xin, rất may đa phần CN của công ty đã được tiêm ít nhất là 1 mũi. Theo ông Dũng, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin trong CN không chỉ giúp phòng chống dịch được tốt hơn mà còn giúp DN sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Gần 300 tỉ đồng chăm lo, hỗ trợ đoàn viên - lao động
Đến ngày 18-10, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ theo các chính sách của Tổng LĐLĐ Việt Nam gần 282 tỉ đồng. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng đã trực tiếp tiếp nhận khoảng gần 590 tấn hàng hóa, thiết bị, gạo, mì, sữa, rau củ quả, nhu yếu phẩm các loại với tổng trị giá gần 10 tỉ đồng, qua đó đã hỗ trợ cho170.000 CN ở trọ khó khăn
Bình luận (0)