Tại cuộc gặp công nhân (CN) các tỉnh Đồng bằng sông Hồng vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi lắng nghe ý kiến về việc người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước giá cao đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các địa phương khác, phối hợp tiến hành kiểm tra và giải quyết.
Thắc mắc thì tự mua nhà mà ở
Với thu nhập còm cõi thì đối với những CN ở trọ, mỗi đồng cũng là đáng quý. Thế nhưng, nghịch lý là họ đang phải trả giá điện cao hơn bình thường, có khi gấp đôi so với người dân khác. Những đồng tiền trả thêm đáng lẽ họ không phải chịu như trên khiến cho đôi vai họ ngày càng nặng gánh thêm…
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, tại các khu trọ của CN ở thôn Bầu, thôn Hậu Dưỡng (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), làng Mơ (xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội)…, mức tiền điện và tiền nước CN phải chịu mỗi tháng đang cao hơn so với giá điện sinh hoạt theo quy định. Cụ thể, tại khu trọ của một số địa điểm nên trên, hầu như CN đều phải đóng trung bình khoảng 3.000-3.500 đồng/số điện, thậm chí có nơi CN phải trả 4.000 đồng/số điện. Với việc đóng tiền điện quá cao khiến CN rất bất bình và ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt cũng như các khoản chi tiêu của CN.
Vợ chồng anh Trần Viết Lượng và chị Lê Thị Na cùng làm CN, thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng phải trả tiền điện ở mức 3.000 đồng/số. Anh Lượng chia sẻ, mặc dù đã "cắn răng" sắm chiếc điều hòa nhiệt độ, nhưng do tiền điện phải trả khá cao, nên vợ chồng anh chỉ dám "rón rén" dùng.
Chia sẻ về việc sử dụng điện, nước sinh hoạt khi ở trọ tại KCN Bắc Thăng Long, chị Đỗ Thị Lĩnh (quê ở Tuyên Quang, đang làm việc tại Cty Sei) than thở: "Tôi thuê trọ ở thôn Hậu Dưỡng, điện tôi đang dùng là 3.500 đồng/số. Mùa hè đến rồi, chúng tôi sử dụng nhiều điện hơn, đồng nghĩa với việc tiền điện sẽ tăng, chi phí sẽ tăng lên, trong khi bao nhiêu thứ phải chi trong sinh hoạt hằng ngày. Khi chị Lĩnh thắc mắc với chủ nhà trọ, thì chủ trọ giải thích ở đây mọi nhà đều tính giá điện như thế (?!), nếu thắc mắc thì sao không tự mua nhà mà ở? "Với cách giải thích qua loa và thiếu trách nhiệm của chủ nhà khiến chúng tôi rất bức xúc. Nhưng "thấp cổ bé họng" và phải đi ở thuê như chúng tôi, thì làm sao được, chấp nhận thôi" - chị Lĩnh chua chát.
Trong những ngày nắng nóng, công nhân KCN ở trọ tại thôn Hậu Dưỡng (Đông Anh, Hà Nội) cũng chỉ dám dùng quạt điện. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Tại phía Nam, tình hình cũng không khá hơn. Vợ chồng chị Phạm Thị Diễm (quê An Giang, CN Công ty Dệt may Thành Công, KCN Tân Bình, TPHCM) cho biết vừa qua, chủ nhà trọ tăng tiền điện lên 4.000 đồng/kWh (trước đây là 2.500 đồng). "Vợ chồng tôi làm CN, thu nhập mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng. Do có con nhỏ nên nhu cầu sử dụng điện của gia đình khá lớn, trong khi chủ trọ lại thông báo tăng giá điện, lên mức 4.000 đồng/kWh".
Tại Đồng Nai, CN Vũ Thị D (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: "Khu trọ của em, chủ trọ thu với mức giá 3.000 đồng/ kWh. Trước đây, theo em biết thì Nhà nước có hỗ trợ giá tiền điện ưu đãi cho các nhà trọ CN như bọn em, các chủ nhà trọ cũng lên danh sách CN ở trọ để đi đăng ký nhưng thực tế những khoản hỗ trợ đó CN không được hưởng mà chủ nhà trọ hưởng. Bởi thực tế sau đó, chủ nhà vẫn thu tiền điện CN bọn em với giá cao. Theo tìm hiểu riêng của em biết được thì có hàng chục khu nhà trọ đang hưởng lợi kiểu như vậy, duy nhất chỉ có một khu nhà trọ có đăng ký và về giảm giá cho CN, nhưng cũng bị các khu nhà trọ khác ganh ghét vì "phá giá".
Nỗi niềm… chủ nhà trọ
Theo quy định, các hộ cho thuê phòng trọ bị áp giá điện kinh doanh (cao hơn nhiều giá sinh hoạt) vì thế họ phải thu tiền người thuê ở mức cao tương đương.
Hộ nhà ông Lê Văn Tiến (xóm 2, thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, Hà Nam) hiện có 20 phòng cho CN thuê trọ, với tổng số người thuê là 59 người (43 người lớn, 16 trẻ em). Ông Lê Văn Tiến cho biết mức thu tiền điện hiện là 3.000 đồng/số.
Lý giải về việc thu tiền điện cao hơn quy định của Công ty điện lực Hà Nam, ông Tiến cho biết, do gia đình kinh doanh phòng trọ nên bị áp giá của điện kinh doanh nên đã cao hơn giá điện sinh hoạt. Có những tháng, sau khi tính tổng tiền điện của cả gia đình và 20 phòng trọ, rồi chia ra thì đã là 2.700 đồng/số. "Để đảm bảo an ninh khu trọ, gia đình đã phải mắc 15 bóng đèn cao áp cho 3 dãy nhà trọ, từ 17h hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Nhằm tạo điều kiện cho CN thuê trọ, gia đình còn dành khoảng đất để họ trồng rau cải thiện bữa ăn, nên phải mất tiền điện cho máy bơm; ngoài ra còn các khoản khác như tiền côngtơ, phí hao tải. Tôi cộng tất cả các khoản phải chi cho điện rồi mới thu của CN thuê trọ là 3.000 đồng/số".
Ông Tiến cho rằng, để hỗ trợ CN thuê trọ, ngoài sự góp sức của phía chủ nhà thì Nhà nước cũng cần có những quy định, chính sách cụ thể ví dụ như ưu tiên cho các chủ nhà trọ được dùng điện với cách tính giá sinh hoạt hộ gia đình; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Tương tự, ông Tân (chủ nhà trọ ở thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Tôi thu giá tiền điện của CN thuê trọ là theo giá chung của các chủ nhà trọ trong vùng. Nhưng có hộ, họ thu cao hơn 500 đồng đến 1.000 đồng/số. Lý do chúng tôi thu như thế là vì đồng hồ lẻ ở mỗi nhà trọ trong khu trọ và đồng hồ tổng không khớp nhau. Hơn nữa, mức tiền điện có lũy tiến nên chúng tôi lấy với giá cao nhất của mức giá ấy là 2.700 đồng thì thu thành 3.000 đồng chẵn/số. Chủ nhà trọ chúng tôi cũng thương CN nhưng bắt buộc phải thu cho hợp lý để cân đối vốn đầu tư bỏ ra xây nhà trọ. Muốn CN đỡ khổ thì doanh nghiệp nên tăng lương; mong Nhà nước không đặt mức giá điện, nước cho hộ cho thuê trọ là hộ kinh doanh thì lúc đó điện, nước cho CN thuê mới rẻ được".
Kiểm tra giá bán điện cho công nhân
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các tổng công ty Điện lực, các côn ty Điện lực các tỉnh, thành phố triển khai ngay các biện pháp: Các công ty Điện lực phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện giá bán điện của các chủ nhà trọ. Thực hiện niêm yết công khai biểu giá bán điện tại các khu nhà cho thuê, tại các điểm tập trung dân cư, nơi tiếp dân của UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các Ban Điều hành khu phố, tổ dân phố, các KCX và KCN. Thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công Thương giám sát việc đảm bảo cho người thuê nhà được hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt đúng quy định; lập kế hoạch, thực hiện kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở trên địa bàn quản lý để hạn chế trường hợp chủ nhà trọ lợi dụng chính sách giá để thu lợi.
Liên quan đến chính sách giá điện đối với CN, sinh viên và NLĐ thuê nhà để ở được thể hiện tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29.5.2014 của Bộ Công Thương. Trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ), thì được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ); cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức; trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200kWh: 1.858đ/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Về phương thức tính tiền và thu tiền của chủ nhà trọ, chỉ được thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hằng tháng do Cty Điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung. Trường hợp cho sinh viên và NLĐ động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký HĐMBĐ, thì đại diện NLĐ thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). công ty Điện lực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ. Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nhà trọ thu tiền giá cao hơn so với quy định, theo quy định tại Điều 16, khoản 2, điểm b của Thông tư số 16/2014/TT-BCT, Sở Công Thương có trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc thực hiện tính định mức số hộ sử dụng và giá bán lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà để nhằm đảm bảo cho người thuê nhà được áp dụng đúng các quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt quy định tại Thông tư này. Điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10.-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.
Như vậy, EVN không chỉ rà soát mà cần kiểm tra ngay việc vì sao các chủ nhà trọ phải trả tiền điện theo giá kinh doanh (trái với Thông tư số 16/2014/TT-BCT). Phải để chủ nhà trọ được hưởng điện giá thấp (giá sinh hoạt) thì họ mới có thể giảm giá cho công nhân lao động. Trong trường hợp chủ nhà trọ tự ý tăng giá, cần xử lý nghiêm.
Bình luận (0)