Như vậy, so với mức tiền lương tối thiểu (LTT) hiện nay, sống còn chưa đủ, thì hỏi sao có tích lũy? Cụ thể, qua khảo sát 816 hộ gia đình 4 người, có hai vợ chồng là CNvà hai người ăn theo, trung bình một tháng các gia đình chi tiêu hết 9.038.000 đồng (tức là mỗi người lao động nuôi một người thì mức chi tiêu là 4.519.000 đồng, trong lúc đó thu nhập trung bình của NLĐ nhóm này là 4.716.500 đồng/tháng).
Trong đó, tiền ăn trung bình hết 3,3 triệu đồng; tiền thuê nhà trọ trung bình 995.000 đồng; tiền điện, nước, gas là 624.000 đồng; xăng xe, đi lại, điện thoại là 593.000 đồng; chi phí học tập của con cái (tính những người có hai con đi học) trung bình 1,34 triệu đồng; khám-chữa bệnh, thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỷ trung bình là 760.000 đồng; đồ dùng cá nhân, trang phục là 702.000 đồng; các khoản khác khoảng 750.000 đồng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 57,6% số NLĐ được khảo sát cho biết, trong tháng 3.2017, họ có làm thêm giờ, mức trung bình là 33,7 giờ/tháng, với số tiền gần 1,2 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập đáng kể để NLĐ trang trải cho cuộc sống đang thiếu thốn của họ. Trong số này, 84,4% số người lao động cho biết muốn đi làm thêm là để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, số còn lại phải làm thêm theo sắp xếp của doanh nghiệp.
So với mức LTT vùng hiện nay là 3.750.000 đồng thì mỗi người còn thiếu 769.000 đồng, cả gia đình thì còn thiếu 1.538.000 đồng. Sắp tới, nếu điều chỉnh LTT lên 3.980.000 đồng thì mỗi gia đình còn thiếu 1.074.000 đồng/tháng.
Công nhân đi chợ chỉ dám mua mớ rau, cái đậu, sống trong nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp- ảnh chụp tại chợ Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày 26-8 ẢNH: VĂN DUẨN
Trong cuộc khảo sát của Viện CN – CĐ, đối tượng tham gia khảo sát là những người có thu nhập 4.716.500 đồng/tháng, như vậy họ phải tăng ca mới đạt được mức thu nhập đó. Công nhân có muốn tăng ca không? Câu trả lời là không muốn nhưng phải làm bởi nếu không tăng ca, tiền đâu đủ sống?
Về lý thuyết, tăng ca chính là khoảng thu nhập tăng thêm, là tiền để cho NLĐ tích góp, thế nhưng ở đây, tiền tăng ca là bù đắp cho những chi tiêu của cuộc sống mà tiền lương còn thiếu. Đời CN có hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là còn trẻ có sức khỏe nên muốn dành tất cả thời gian rỗi để tăng ca kiếm thêm tiền. Lúc đấy, tăng ca là niềm vui.
Giai đoạn thứ hai, có gia đình, có con rồi muốn dành thời gian cho con cái, gia đình, không muốn tăng ca nữa nhưng không tăng ca không có tiền nuôi con, lại phải tăng ca. Lúc đấy sức khỏe cũng xuống, không đua được với thợ trẻ, vừa tăng ca vừa ấm ức, tâm trạng không còn vui.
Cả một đời CN, quay cuồng với nhà máy, không có thời gian để vui chơi, không có thời gian để nghỉ ngơi, tất cả chỉ mong kiếm được đồng lương đủ sống.
Ấy vậy mà thời gian qua, trên một số tờ báo truyền đi thông tin "tăng lương tối thiểu làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp", "năng suất lao động không bắt kịp với tăng LTT"… nghe mà buồn. Có thể, doanh nghiệp cũng có những nỗi khổ của mình, phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực chi phí tài chính trước mỗi kỳ tăng lương… nhưng tất cả đều đổ cho tăng lương tối thiểu thì chúng tôi cho rằng đó là điều không công bằng, khi mà cuộc sống của đa phần CN còn quá khó khăn!
Bình luận (0)