Tại phiên họp lần thứ 2 trước đó, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn giữ nguyên đề xuất chỉ tăng 5% thì Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động giảm mức đề xuất mức từ 13,3% xuống còn 8%. Dưới đây, chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chủ doanh nghiệp (DN), cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân (CN) về mức tăng LTT vùng năm 2017.
Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Triple Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, huyện Củ Chi, TP HCM)
LTT phải đảm bảo mức sống tối thiểu
Theo dõi 2 phiên họp bàn về tăng LTT vùng, cá nhân tôi thấy Tổng LĐLĐ Việt Nam (tổ chức đại diện cho NLĐ) đã tỏ thiện chí trong suốt quá trình thương lượng, cụ thể là chủ động giảm từ 13,3% xuống còn 8%. Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có những tính toán, cân nhắc rất kỹ nhằm vừa có thể giúp NLĐ ổn định cuộc sống, vừa hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển ổn định.
Là cán bộ CĐ và thường xuyên đeo bám đời sống NLĐ, tôi hiểu được cuộc sống của đại bộ phận công nhân (CN), nhất là lao động ngoại tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Xa quê kiếm sống, mong muốn duy nhất của họ là có việc làm, thu nhập ổn định và tiến xa hơn là tích lũy cho tương lai. Tuy nhiên, do nền LTT thấp khiến anh em CN ở nhiều DN phải tăng ca để cải thiện thu nhập. Dĩ nhiên, lựa chọn giải pháp này thì họ phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có hệ lụy về sức khỏe. Tôi hy vọng mức tăng LTT lần này ở mức 10%, có như vậy mới giúp CN ổn định cuộc sống.
Anh Trần Văn Lin, Công nhân một doanh nghiệp may ở quận Bình Tân, TP HCM
Tiền lương chưa tương xứng với công sức bỏ ra
Theo kết quả điều tra mới nhất về thu nhập, đời sống CN trong các DN năm 2017 của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, 46% CN có bức xúc về tiền lương, phúc lợi. Thu nhập thấp so với công sức bỏ ra, khiến họ dễ mệt mỏi, căng thẳng và có những phản ứng tiêu cực.
Phác họa bức tranh về đời sống CN cho thấy những khó khăn mà họ phải đối diện hằng ngày. Do thu nhập không đủ sống nên đại bộ phận CN phải chi tiêu tằn tiện; không ít CN do không kham nổi chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ tại TP phải gởi con nhỏ về quê cho cha mẹ chăm sóc. Nai lưng làm việc bên những cỗ máy, họ nơm nớp lo sợ cho tương lai khi tuổi ngày càng cao kéo theo năng suất lao động giảm. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ đối diện với nguy cơ bị mất việc bất cứ lúc nào. Là lao động trực tiếp sản xuất, chúng tôi đặt hết hy vọng vào những đợt tăng LTT hằng năm, song đổi lại chỉ là sự thất vọng. Khi LTT được điều chỉnh tăng, chúng tôi chưa kịp mừng thì các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá, do vậy việc tăng LTT không có ý nghĩa. Tôi mong muốn Hội đồng Tiền lương Quốc gia cân nhắc thật kỹ trước khi có quyết định cuối cùng về việc tăng LTT. Cá nhân tôi mong muốn LTT lần này tăng ít nhất 10%.
Ông Cao Kiến Bình, Giám đốc DNTN Kiến Bình (tỉnh Bình Dương)
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và NLĐ
Thực tế không thể phủ nhận là rất ít DN bám vào nền LTT để trả cho NLĐ, bởi thu nhập thấp sẽ khó thu hút lao động giỏi, nhất là CN có tay nghề. Đó cũng là lý do vì sao nhiều DN thường xây dựng chính sách tiền lương, đãi ngộ cao hơn luật để giữ chân CN. Nhiều DN còn chủ động chia sẻ khó khăn với NLĐ bằng việc hỗ trợ thêm các khoản phụ cấp (tay nghề, nhà trọ, chuyên cần…) nhằm giúp họ ổn định cuộc sống. Nói cách khác, nếu muốn phát triển bền vững thì DN cũng phải biết nghĩ cho NLĐ, thể hiện cụ thể qua chính sách chăm lo.
Trong quá trình phát triển, không phải lúc nào DN cũng làm ăn thuận lợi, do vậy LTT tăng sẽ khiến DN tăng các chi phí kèm theo. Do vậy, tôi kiến nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt mức tăng LTT hợp lý, trong đó cần lưu tâm đến tình hình "sức khỏe" của số đông DN. Mục tiêu tăng LTT phải đảm bảo hài hòa lợi ích DN và NLĐ.
Bình luận (0)