Vượt lên tất cả, họ luôn nỗ lực lao động chăm chỉ để lo cho cuộc sống và tương lai tốt đẹp của con cái.
Nỗ lực vì con
Trên chiếc giường tại phòng trọ, chị Lê Thị Lưu (31 tuổi) công nhân (CN) Công ty TNHH Namyang (KCN Amata) đang dạy học tiếng Việt cho cậu con trai học lớp 2; đứa út 5 tuổi đứng cạnh thỉnh thoảng cũng đọc theo. Phòng trọ chật chội không có chỗ để bàn học, phần cũng vì muốn tiết kiệm, nên từ lâu chiếc giường này cũng chính là bàn học của các con. Tổng thu nhập của hai vợ chồng trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi đó, riêng tiền phòng và tiền học của hai con cũng đã gần 4 triệu đồng, chưa tính tiền ăn uống, sinh hoạt…
Kết hôn đã gần chục năm, cuộc sống xa quê từ khi có hai con càng trở nên tất bật và lo toan hơn. Chị Lưu kể, lúc con còn nhỏ, chị không nhớ bao nhiêu lần phải xin về giữa chừng để đưa con đi khám bệnh. Việc gửi con ở đâu cho an toàn mà tiền gửi vừa phải, thuận lợi giờ giấc đưa đón lúc tăng ca... là điều chị trăn trở mỗi ngày. “Ðọc báo và nghe chị em truyền tai nhau về chuyện nhiều trẻ em bị bạo hành, điều kiện ở nhà trẻ chật chội, thiếu thốn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con; rồi cả chuyện rất đáng sợ trẻ bị xâm hại mới đây, tôi và các chị em trong công ty ai cũng lo lắm”, chị Lưu nói.
Chồng làm thợ hồ, công việc không ổn định giờ giấc; có hôm làm dở hồ phải đến 9 - 10 giờ đêm mới về. Chị cũng thường tăng ca về muộn nên gần như không có thời gian kèm con học hành. Vì vậy, tranh thủ ngày chủ nhật, chị cố gắng kèm cho con học. “Vất vả đến mấy cũng phải lo cho con học hành đàng hoàng”, chị Lưu nói.
Hai vợ chồng cùng nuôi con đã khó khăn, đối với những nam, nữ CN là những ông bố, bà mẹ đơn thân lại khó khăn gấp nhiều lần. Chồng suốt ngày nhậu nhẹt, bài bạc rồi bỏ đi khi đứa con trai đầu lòng mới 1 tháng tuổi. Một mình rời quê vào Ðồng Nai lập nghiệp, không anh em thân thích, hơn 3 năm qua, chị Nguyễn Thị Nga (37 tuổi), công nhân Công ty Taekwang Vina đã nỗ lực không ngừng vừa làm việc và nuôi con. Hoàn cảnh đơn chiếc, con trai chị lại thường xuyên đau ốm, có những triệu chứng phát triển không bình thường. Thời điểm cháu hơn 1 tuổi, đi khám các bác sĩ kết luận cháu bị bại não. Chị tưởng chừng như gục ngã trước thông tin đó nhưng chính tình thương con vô bờ đã giúp chị kiên cường, mạnh mẽ, lạc quan để làm việc và chăm lo cho con.
Chị Nguyễn Thị Nga tập vật lý trị liệu cho con tại phòng trọ
Buổi chiều chúng tôi gặp chị cũng như tất cả những buổi chiều khác, tan ca về phòng, chị sang ngay nhà bà chủ trọ đón con và bắt đầu tập vật lý trị liệu cho con. Không có tiền, không có điều kiện điều trị ở bệnh viện, chị nhờ bác sĩ hướng dẫn rồi về tự tập luyện hằng ngày cho con tại phòng; cứ chỗ nào có hỗ trợ điều trị miễn phí chị lại chở con tới. Chị dành phần nhiều thu nhập để mua những thức ăn bổ dưỡng cho con. Chị gọi điện hỏi các bác sĩ, hỏi kinh nghiệm những người xung quanh, tự tìm mua sách báo đọc để có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe cho con. “Các bác sĩ nói uống thuốc đều đặn, chăm chỉ tập luyện vật lý trị liệu, tình hình của con sẽ được cải thiện. Tôi tin có một ngày con sẽ tự đứng lên và đi được”, ôm con trai vào lòng, chị nói.
Ấm áp xóm gia đình
Tới các khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp, dễ dàng tìm thấy các “xóm gia đình”. Tại đó, mỗi phòng đều là một gia đình nhỏ.
Cùng chung công việc, hoàn cảnh và thói quen sinh hoạt, vì vậy những người trong “xóm gia đình” luôn đồng cảm và sẻ chia với nhau. Chị Lê Thị Lưu kể, trước đây, hai vợ chồng chị mới ở quê vào chưa có tiền mua xe máy, lúc nào con ốm hay có việc cần thiết, hàng xóm đều sắp xếp cho chị mượn xe để khỏi thuê xe tốn tiền. “Nhiều hôm con bị cảm nặng, chồng chưa xin phép công ty về kịp, các anh, các chú hàng xóm tình nguyện chở con đi. Về đến nhà, mấy chị hàng xóm người thì nấu sẵn cháo, người mua ký cam vắt mang sang tận phòng. Là người mẹ trẻ nhất xóm trọ, tôi còn được các chị các cô chỉ bảo, hướng dẫn thêm nhiều thứ về cách ứng xử trong gia đình, kiến thức chăm sóc con nhỏ... Có gì không biết tôi lại sang nhờ các chị, các cô “tư vấn” là ổn ngay”, chị Lưu tâm sự. Với chị Nga, những lời động viên, khích lệ của bà chủ trọ và anh chị em trong xóm mỗi ngày cũng góp phần giúp chị thêm mạnh mẽ, từng bước vượt qua khó khăn. “Từ việc giảm bớt tiền gửi con, thu tiền phòng chậm, phụ trông con… tôi luôn cảm nhận được sự sẻ chia và giúp đỡ của mọi người. Ðối với tôi, tình cảm đó vô cùng quý giá, tôi sẽ không bao giờ quên”, chị Nga nói.
Cũng tại các xóm trọ ấy, các cháu nhỏ lớn lên bên nhau như anh em trong một nhà. Cũng bộ quần áo và đôi dép ấy, cũng bộ đồ chơi và bộ sách giáo khoa ấy, cứ cháu lớn trong xóm mặc chật, nghỉ chơi, lên lớp lại nhường cho đứa bé hơn, đến khi nào rách, hỏng thì mới bỏ đi…
Nữ công nhân đón con tại trường mầm non do Công ty Taekwang Vina xây dựng
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phước Mạnh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới; các doanh nghiệp cùng các cơ quan liên quan đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm hỗ trợ người lao động nói chung và CN đang nuôi con nhỏ nói riêng cải thiện điều kiện sống và làm việc. Có thể kể đến những quy định mới như người chồng sẽ được nghỉ tối đa 14 ngày khi vợ sinh con trong chế độ thai sản tại Luật Bảo hiểm xã hội; Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020”, Chương trình “Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc”… Có nhiều doanh nghiệp quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân, trường mầm non cho con công nhân và tăng cường các chế độ phúc lợi cho CN…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Phước Mạnh cũng cho rằng, hiện tại, vẫn còn nhiều đề án, chương trình… mới chỉ đang ở giai đoạn đầu và mới dừng lại ở việc tuyên truyền; nhiều đề án, chương trình đã được triển khai nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi do nhiều lý do chủ quan và khách quan. Có thể kể đến như mô hình lắp đặt cabin vắt, trữ sữa, nhiều bà mẹ công nhân vẫn còn ngần ngại thực hiện việc vắt sữa; mặt khác, do phải làm việc theo dây chuyền, ca kíp nên thời gian được nghỉ lên vắt sữa hạn hẹp, lượng sữa vắt cũng chưa được nhiều… Thời gian tới, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục nỗ lực và sáng tạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác tuyên truyền nói riêng cũng như chất lượng các hoạt động Công đoàn, tất cả hướng đến mục tiêu vì lợi ích đoàn viên, trong đó có nữ CN nuôi con nhỏ.
Bình luận (0)