“Đa số doanh nghiệp (DN) trả lương khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, cộng phụ cấp thì được chừng 5,5 triệu đồng. Với thu nhập này, công nhân (CN) không sống nổi, buộc phải tăng ca, nếu tăng ca thì thu nhập khoảng 7 triệu đến 7,5 triệu đồng/tháng. Nhà nước đã điều chỉnh lương tối thiểu nhưng CN vẫn không đủ sống”. Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP HCM, phản ánh như vậy tại tọa đàm về tình hình CNVC-LĐ và hoạt động CĐ do LĐLĐ TP HCM tổ chức sáng 24-3.
Đời sống nghèo nàn
Ông Thành cũng cho biết bữa ăn giữa ca của CN dao động từ 13.000 đồng đến 16.000 đồng/suất. Ở công ty Nhật, châu Âu thì suất ăn cao hơn, từ 19.000 đồng đến 23.000 đồng. Đáng mừng là tranh chấp lao động tập thể giảm, tỉ lệ CN trở lại làm việc sau Tết đạt cao. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 60/NĐ-CP về dân chủ cơ sở ở nơi làm việc chưa đạt yêu cầu. Các DN thường tập hợp CN tại nhà xưởng và giải quyết ngay các bức xúc, không lập biên bản. “Việc tuyên truyền pháp luật cho CN gặp nhiều khó khăn vì sau giờ làm việc CN chỉ muốn về nhà trọ nghỉ ngơi. Đời sống văn hóa tinh thần của CN cũng nghèo nàn; ngày nghỉ họ cũng chỉ loanh quanh ở nhà trọ. Tại KCX Linh Trung, rạp chiếu phim giá vé 75.000 đồng, CN được giảm còn 60.000 đồng nhưng vẫn không thu hút được vì đối với CN, giá vé như vậy vẫn còn quá đắt” - ông Thành chia sẻ.
Vấn đề nhà ở cho CN tiếp tục được “xới” lên. Ông Nguyễn Đình Dũng, đại diện Sở Xây dựng TP, cho biết nhà ở cho CN có 3 nhóm DN đầu tư: các công ty hạ tầng, các DN xây dựng nhà lưu trú (chủ yếu dành cho CN độc thân nhưng chỉ một số ít DN đầu tư) và các DN kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, do nhà ở cho CN lợi nhuận không cao như nhà ở thương mại và thời gian thu hồi vốn kéo dài nên không thu hút các nhà đầu tư. Ông Dũng băn khoăn: “Giá nhà ở xã hội hiện nay quá cao so với thu nhập của người lao động, khảo sát nhu cầu cụ thể về nhà ở của người lao động hiện nay vẫn chưa có. Không nên để xảy ra tình trạng nhà xây xong không ai ở, cung không gặp cầu”.
Chính sách còn bất cập
Ông Đỗ Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP, lại phản ánh một góc độ khác trong đời sống CN qua lĩnh vực quản lý của mình: Qua thang, bảng lương đăng ký với sở cho thấy đa số các DN vẫn xây dựng mức lương bằng lương tối thiểu vùng. Đi kiểm tra thấy gửi thang, bảng lương một đằng, nộp BHXH một nẻo; quyết toán thuế thu nhập cá nhân lại là chuyện khác. “Đề nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia có thêm đại diện vùng để có phản ánh chính xác tình hình và mong muốn tại địa phương. Nên có một sáng kiến pháp luật về tiền lương tối thiểu dựa trên những khảo sát thực tế chứ không nên đợi đến hẹn rồi mới ngồi lại bàn” - ông Năm đề nghị.
Cũng ở góc độ quản lý lao động, ông Năm bày tỏ không đồng tình với phương án tăng giờ làm thêm trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động năm 2012. Ông Năm đặt vấn đề: “Trước đây, ngày 1-5, cả thế giới đấu tranh đòi làm việc 8 giờ, vậy thì tại sao 131 năm sau Việt Nam lại đòi tăng lên 12 giờ? Như vậy là thụt lùi so với sự phát triển của xã hội. Về tuổi nghỉ hưu, để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới, có thể tăng tuổi hưu nam và nữ lên đến 60 tuổi nhưng từ 55-60 tuổi thì lao động nữ được quyền lựa chọn thời điểm nghỉ hưu”.
Linh hoạt trong nâng cao trình độ cho CN
Trước những khó khăn của cơ sở, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP, cho biết LĐLĐ TP đã linh hoạt trong việc nâng cao trình độ, tổ chức sân chơi cho CN. Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tôn Đức Thắng, Trường Trung cấp nghề Tôn Đức Thắng không ngồi chờ mà đến từng cơ sở đặt vấn đề. Các cấp CĐ tranh thủ CN vừa tan ca phối hợp chủ DN tuyên truyền 30 phút hoặc đến nhà trọ vào buổi tối tổ chức tuyên truyền kèm các trò chơi, quà thưởng... LĐLĐ TP cũng tiến hành ký kết với Trường ĐH Kinh tế TP để nâng cao trình độ cho CN...
Ông Đặng Quang Hợp, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết sẽ ghi nhận tất cả ý kiến để tham mưu cho Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra những đề xuất, chủ trương, chính sách phù hợp với đời sống, việc làm của CN.
Bình luận (0)