Nguyễn Minh Tâm (tamnguyenminh… @gmail.com) hỏi: "Khi đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, tôi được công ty môi giới yêu cầu đặt cọc 10 triệu đồng. Theo thỏa thuận miệng, nếu tôi không tham gia phỏng vấn các đơn hàng do công ty sắp xếp hoặc hủy đăng ký thì sẽ mất tiền đặt cọc. Nếu tôi đậu phỏng vấn thì số tiền này sẽ trừ vào chi phí đi. Sau khi thỏa thuận, do các vị trí tuyển dụng trong đơn hàng không phù hợp nên tôi từ chối phỏng vấn, quyết định không đi xuất khẩu lao động nữa và yêu cầu nhận lại tiền đặt cọc. Thế nhưng, công ty môi giới từ chối giải quyết đề nghị này của tôi. Việc công ty môi giới yêu cầu người lao động đóng tiền đặt cọc có đúng quy định?".
Hệ thống luật Thịnh Trí trả lời: Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: "Đặt cọc là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác, trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác". Như vậy, bản chất của đặt cọc là một thỏa thuận dân sự để bảo đảm cho các bên giao kết, thực hiện hợp đồng. Việc đặt cọc hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên. Công ty đưa ra yêu cầu và bạn đã đồng ý đặt cọc nên việc làm này của công ty là phù hợp với quy định của pháp luật dân sự.
Bình luận (0)