Đáng chú ý, 69% CN được khảo sát cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 53% không đủ tiền để trang trải chi phí khám chữa bệnh; 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ người thân để bù đắp thiếu hụt chi tiêu.
Ảnh minh họa
Con số trên đã phác họa toàn cảnh cuộc sống của CN may hiện nay. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, CN một doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài tại quận Thủ Đức, TP HCM, cho biết sau lương tối thiểu (LTT) được điều chỉnh tăng, tổng thu nhập hằng tháng (kể cả tăng ca) của chị chưa đến 8 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này theo chị không đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong khi tiền điện vừa tăng. Nghiên cứu cũng cho thấy CN may thường được trả lương theo sản phẩm. Phân tích nguyên nhân vì sao LTT tăng nhưng đời sống của đại bộ phận CN, đặc biệt là CN may, vẫn không được cải thiện, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá các DN may thường dựa trên đơn hàng để xây dựng đơn giá sản phẩm. Vì lợi nhuận nên các nhãn hàng lớn thường tìm kiếm mức giá thấp nhất để đặt hàng, còn các công ty sẵn sàng chấp nhận để duy trì việc làm cho CN.
Qua khảo sát, trong số các cuộc đình công xảy ra tại Việt Nam kể từ năm 1995 đến nay, có đến 39,5% số cuộc diễn ra trong lĩnh vực may mặc và nguyên nhân chủ yếu là tiền lương. Thực tế, đại bộ phận CN may đang phải vật lộn để nuôi gia đình, thậm chí nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần. Không chỉ bị vắt kiệt sức lao động với đồng lương rẻ mạt, nhiều CN còn phải đối diện với tương lai mờ mịt khi tuổi cao dẫn đến năng suất lao động kém, nguy cơ mất việc luôn lơ lửng trên đầu. Đại diện Oxfam Việt Nam cho rằng tiền lương không đủ sống ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động lao động của DN cũng như năng suất và chất lượng công việc của người lao động. Đây là kết quả của thương mại không công bằng trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu - một ngành đầu tư sinh lợi lớn. Trong khi các nước châu Á xác lập mức LTT thấp để thu hút đầu tư nước ngoài thì các nhãn hàng cũng đóng vai trò lớn trong việc duy trì mức lương thấp này bằng việc đàm phán không minh bạch, để ép giá các công ty may mặc. "Để đáp ứng đòi hỏi của nhãn hàng lớn, các công ty may buộc phải yêu cầu CN làm thêm giờ với mức lương thấp. Do đó, việc giải quyết vấn đề tiền lương thấp và điều kiện làm việc kém không thể là giải pháp quốc gia mà phải là giải pháp toàn cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay" - đại diện Oxfam Việt Nam khẳng định.
Bình luận (0)