Như Báo Người Lao Động số ra ngày 10-7-2021 đã thông tin, do nhập nhằng trong việc bổ nhiệm tổng giám đốc nên hơn 250 công nhân (CN) tại Công ty TNHH Mosfly Việt Nam Industries (MVI; nhà máy ở KCN Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vẫn chưa được trả lương tháng 4, 5 và 6-2021, kèm theo các khoản đóng BHXH, BHYT..., kể cả tiền thưởng doanh số hằng tháng và quý. Tổng số tiền công ty nợ CN hơn 2 tỉ đồng.
Do chưa có tổng giám đốc mới (?)
Trong lúc hàng trăm CN đang gặp khó khăn do bị nợ lương thì lãnh đạo MVI lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đến thời điểm này, công ty vẫn chưa có thông báo chính thức thời gian trả lương và điều này khiến tập thể CN thêm lo lắng.
MVI được thành lập từ 2 cổ đông là Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam (gọi tắt là Vipesco, 50% cổ phần) và Công ty Mosfly International (Malaysia, gọi tắt là MISB). Tổng giám đốc là người có quyền hạn hàng đầu trong việc xử lý các thủ tục để trả lương cho CN.
Trong thông báo mới nhất gửi đến tập thể lao động, đại diện Vipesco cho rằng nguyên nhân chậm trả lương cho CN là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên phía nhà đầu tư ở Malaysia (MISB) không thể trực tiếp sang Việt Nam để xử lý.
Đời sống công nhân Công ty TNHH Mosfly Việt Nam Industries gặp nhiều khó khăn khi bị nợ lương kéo dài
Theo điều lệ công ty, cứ mỗi nhiệm kỳ 2 năm, tổng giám đốc của MVI sẽ do một bên nhà đầu tư chỉ định. Nhiệm kỳ 2021-2022, MISB phải có trách nhiệm chỉ định người làm tổng giám đốc. Vipesco đã hỗ trợ MISB suốt gần 4 tháng đầu năm 2021. Vì dịch bệnh nên 2 nhà đầu tư đã thống nhất họp HĐTV của MVI vào ngày 14-4-2021 để miễn nhiệm tổng giám đốc cũ, bầu người mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc MVI - cho rằng việc nhà đầu tư MISB không thể sang Việt Nam cùng giải quyết việc thay đổi tổng giám đốc (do ảnh hưởng dịch Covid-19) và do vướng mắc thủ tục giữa 2 nhà đầu tư nên vẫn chưa bổ nhiệm được tổng Giám đốc mới để điều hành công ty.
Tổng giám đốc cũ là ông Nguyễn Thân xin từ chức nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm của mình là bàn giao công việc, dẫn đến việc không thể bổ nhiệm người mới. Trong thời gian chờ bổ nhiệm tổng giám đốc mới, ông Nguyễn Thân cũng không có bất kỳ động thái nào để hỗ trợ công ty tiếp tục kinh doanh nên dẫn đến sự đình trệ vô thời hạn này.
Tùy tiện và hứa lèo
Việc không thể bổ nhiệm tổng giám đốc mới để ký duyệt giấy tờ và đơn hàng đã gây ra sự đình trệ trong khâu bán hàng từ tháng 4-2021 đến nay. Công ty không có hoạt động kinh doanh bán hàng thì không thể có đủ tiền để trả lương và các phúc lợi khác của người lao động (NLĐ). "Với tình hình hiện nay, công ty chỉ có thể đóng cho BHXH và BHYT tháng 5, 6; còn việc trả lương là không thể" - ông Minh nói.
Thế nhưng, nhà đầu tư tại Việt Nam là Vipesco lại cho rằng tổng giám đốc cũ của MVI là ông Nguyễn Thân đã được HĐTV công ty miễn nhiệm từ ngày 14-4-2021 và đã chấm dứt hợp đồng lao động với công ty từ trước khi xảy ra vấn đề nợ lương CN (theo biên bản họp HĐTV của MVI ngày 14-4-2021). Do đó, vấn đề nợ lương xuất phát từ việc nhà đầu tư Malaysia của MVI đã không tuân thủ điều lệ công ty, không chỉ định người giữ vị trí tổng giám đốc theo quy định.
Thực tế, tại cuộc họp ngày 14-4-2021, MISB đã biểu quyết thống nhất miễn nhiệm tổng giám đốc cũ nhưng tự ý thay đổi nội dung biểu quyết. Ông Tong Chin Hen - Chủ tịch HĐTV MVI - đã trì hoãn ký biên bản cuộc họp, không ban hành nghị quyết, văn bản chính thức của HĐTV, từ đó dẫn đến việc không hoàn thành việc thay đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Nhà đầu tư Việt Nam còn cho rằng ngay trong thời điểm khó khăn nhất của NLĐ, ông Tong Chin Hen đã nhiều lần gửi thư cho CN với những cam kết mơ hồ và chưa thực hiện bất kỳ cam kết nào... "MISB không tuân thủ điều lệ, không cử nhân sự để bổ nhiệm tổng giám đốc theo đúng quy định, cố tình đùn đẩy trách nhiệm đại diện pháp luật cho đối tác để dẫn đến kiện tụng, cản trở việc ổn định kinh doanh của MVI dẫn đến khó khăn của NLĐ như hiện tại" - thông báo của Vipesco nêu rõ.
Trong lúc 2 nhà đầu tư đang đùn đẩy trách nhiệm thì NLĐ đang gặp vô vàn khó khăn do không có tiền trang trải cuộc sống, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh. Xét về góc độ luật pháp, việc người sử dụng lao động không trả lương cho NLĐ theo đúng thỏa thuận là trái với quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo quy định tại điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Bình luận (0)