Những ngày qua, rất nhiều người lao động (NLĐ) đang làm việc tại Công ty TNHH Nữ Doanh Nhân Việt Nam (đăng ký tại quận Tân Bình nhưng trụ sở đặt tại quận Bình Thạnh, TP HCM) đã khiếu nại khắp nơi vì cách hành xử tùy tiện của lãnh đạo công ty. NLĐ cho biết họ rất bức xúc và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, can thiệp, bảo vệ quyền lợi.
Xin nghỉ không cho
Chị Phạm Thị Xong làm việc tại công ty từ năm 2014 với vị trí kế toán trưởng. Đến tháng 10-2016, công ty cho một kế toán tổng hợp nghỉ việc và yêu cầu chị Xong phải đảm nhiệm thêm công việc của nhân viên đã nghỉ. Nhận thấy công ty bố trí thêm công việc không đúng với hợp đồng lao động (HĐLĐ) nên chị Xong nộp đơn xin nghỉ việc. “Vì là HĐLĐ có thời hạn nên tôi báo trước 30 ngày tính từ 20-10-2016. Vậy mà đến giờ đã hơn 3 tháng, công ty vẫn không giải quyết cho tôi nghỉ việc; không chi trả lương, tiền ký quỹ và chốt sổ BHXH. Suốt mấy tháng nay, tôi phải chạy tới chạy lui khiếu nại khắp nơi…” - chị Xong bức xúc.
Theo chị Xong, lấy lý do không có nhân sự, công ty cứ kéo dài chuyện bàn giao. Có 4 biên bản bàn giao nhưng công ty chỉ nhận 3, còn 1 biên bản thì “ngâm” lại. “Giám đốc bảo tôi bàn giao không có kế hoạch trước, trong khi đã 1 tháng rưỡi trôi qua từ khi tôi viết đơn xin nghỉ. Đến khi tôi gửi đơn lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tân Bình đề nghị can thiệp thì công ty mới chịu nhận bàn giao biên bản cuối cùng. Thế nhưng, nhận xong vẫn không giải quyết cho nghỉ việc mà lại khóa vân tay trong máy chấm công khiến tôi không vào công ty được nữa. Khi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận mời hòa giải, đại diện công ty cũng không có mặt” - chị Xong cho hay.
Mãi đến tháng 1-2017, công ty mới đồng ý giải quyết chế độ nghỉ việc cho chị Xong với điều kiện phải ký cam kết “đền bù các thiệt hại” nếu có sai sót trong toàn bộ quá trình chị Xong công tác từ năm 2014. “Việc này thật vô lý vì nếu có khúc mắc gì thì công ty phải chỉ ra trong quá trình bàn giao để tôi khắc phục. Công ty nêu chung chung như thế thì tôi biết phải chịu trách nhiệm về những điều gì, tới thời hạn nào thì hết trách nhiệm? Đã vậy, nếu có sai sót gì thì giám đốc cũng liên đới chứ sao bắt tôi phải đền bù một mình? Hơn nữa, HĐLĐ không có quy định phải bồi thường thì tại sao công ty lại bắt tôi phải ký một cam kết mới, ràng buộc một quan hệ mới?” - chị Xong bức xúc.
Sếp luôn đúng?!
Nếu như chị Xong xin nghỉ việc mãi không xong thì chị Nguyễn Thị Mẫn lại đột ngột bị cho nghỉ việc. “Một ngày nọ, giám đốc kêu tôi vào, bảo tôi trình bày quan điểm về công ty. Nghe xong, giám đốc nói không thích cách làm việc của tôi và đề nghị tôi nghỉ việc. Cho rằng đây là điều bình thường trong quan hệ lao động nên tôi đồng ý về nguyên tắc, ý tôi là sau đó hai bên sẽ tiến hành thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng. Không ngờ giám đốc lập tức đưa tôi tờ quyết định chấm dứt HĐLĐ đã ký sẵn, ép tôi nghỉ việc ngay mà không báo trước, không trả lương tháng đó, không trả lại tiền ký quỹ và cũng không đền bù gì” - chị Mẫn kể.
Chị Mẫn cho biết trong quyết định chấm dứt HĐLĐ ghi lý do “theo đơn xin nghỉ việc” nhưng chị không hề viết đơn. Thấy vô lý nên chị không ký nhận. Công ty lại làm tiếp quyết định chấm dứt HĐLĐ thứ 2 với lý do “vi phạm các nguyên tắc ứng xử của công ty” và soạn sẵn đơn xin nghỉ việc cho chị. Đáng nói, trong bản “nguyên tắc ứng xử văn phòng” mà công ty phổ biến cho nhân viên, chúng tôi phát hiện có quy định: “Sếp có thể sa thải bạn ngay bất cứ lúc nào mà không cần lý do”. Chưa hết, bản nguyên tắc ấy còn ghi rằng: “Điều 1: Sếp luôn luôn đúng. Điều 2: Nếu bạn nghĩ sếp sai thì xem lại điều 1”!
Phản ánh với Báo Người Lao Động, nhiều nhân viên còn bức xúc việc công ty không đóng BHXH và chốt sổ cho họ. Chị Phạm Thị Lan Anh cho biết đã nghỉ việc nhiều tháng mà vẫn không được chốt sổ BHXH. “Tôi đi làm chỗ mới rồi mà công ty cũ vẫn không chịu chốt sổ, cũng không giải thích lý do. Tôi hỏi cơ quan BHXH thì phát hiện công ty còn nợ BHXH nhiều tháng nên không chốt được. Tháng nào công ty cũng trừ tiền lương của chúng tôi để đóng BHXH, sao bây giờ chúng tôi lại không được hưởng quyền lợi, thật bất công!” - chị Lan Anh ấm ức.
Sau khi liên tục nhận được phản ánh của NLĐ, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Nguyễn Công Minh, giám đốc điều hành công ty, người ký tên trong rất nhiều văn bản liên quan đến quyền lợi của NLĐ để mong có câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, ông Minh từ chối trả lời.
Bình luận (0)