Rằm Tháng Chạp, chúng tôi tìm đến nhà ông Ba Kính, tên thật Vương Văn Kính, 71 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM để hỏi thăm.
Làm được việc gì giúp bà con là tôi làm
Đến chợ Hiệp Bình Chánh, khi hỏi nhà người ông Kính thì hầu như ai cũng biết. Một vài người đặt cho ông cái tên ông Kính "chống ngập" hoặc có người gọi là ông Ba "Kình Ngư". Bởi dân ở đây thường xuyên bắt gặp ông vào những ngày nước ngập luôn trầm mình dưới nước.
Căn nhà nằm sâu trong khu đất ngập nước, ở cuối đường số 12. Trước căn nhà lụp xụp, chúng tôi bắt gặp người đàn ông tóc bạc, làn da rám nắng, đang tất tả lặt lá mai chuẩn bị Tết.
Ông Ba Kính chia sẻ câu chuyện lội nước tháo miệng cống và những vết thương trên người.
Hỏi thăm mới biết, ông chính là người thuộc nằm lòng từng vị trí hố cống trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh. Câu chuyện chưa kịp bắt đầu, điện thoại túi quần reo chuông, đầu dây bên kia là giọng một hộ dân sống cạnh trường tiểu học Bình Triệu. "Chú Ba ơi, triều cường đẩy nước từ kênh vào miệng cống, con lo nước ngập nhà mấy đứa nhỏ học về ướt hết quần áo. Chú xem được thì qua giúp con, con cám ơn chú", một giọng nữ lo âu.
Ông Ba Kính quay sang chúng tôi, gãi đầu, cười trừ: "Chú thông cảm ngồi đợi tí nha, tui có chuyện phải chạy rồi. Hôm nay ngày Rằm nên nước lên phải đi kiểm tra đê và cống gấp".
Dứt lời, ông tất tả chiếc ao thun 3 lỗ nhanh chóng chạy đến nơi người dân phản ánh. Chúng tôi liền bám theo. Chừng 10 phút ông Kính đến hiện trường. Dừng trước một miệng cống nước từng đợt phun lên đen ngòm, ông cởi áo và thò tay xuống cống, vớt lên một mớ rác. Ngay lập tức, những hố ga xung quang thoát nước rất nhanh. Để ý, tôi thấy đôi mắt ông Kính ánh lên niềm vui.
Ông Kính dầm mình dưới cống để chống ngập cho người dân.
Nước rút, ông Kính ghé vào một nhà dân gần đó nghỉ ngơi và xin ít nước để vệ sinh. Ông Kính cho biết : "Triều cường lên cao kéo theo rác khiến các miệng hố ga bị bịt kín và gây ngập. Nếu hôm nào kết hợp mưa to thì sẽ ngập thành sông nếu không xử lý kịp thời . Chưa kể nguy cơ tràn hoặc vỡ bờ bao gây ngập các khu dân cư".
Trên đường về nhà, ông còn tranh thủ ghé một số miệng cống có nguy cơ kẹt rác để kiểm tra. Phát hiện một cây tràm dài hơn 10 mét ngã đè vào bờ ngăn triều, ông vội vàng dừng xe, lội xuống bùn và dùng toàn lực đẩy cây tràm ra giữa lòng kênh.
Dù tuổi cao, nhưng ông Kính vẫn đủ sức mang vác nhiều vật nặng
Nghe chúng tôi khen, ông chỉ cười trừ: "Mình làm được việc gì giúp bà con thì làm. Là thành viên trong Đội Quản lý Đê điều phường nên đây là nhiệm vụ của chú. Mà đâu phải mình chú, đội còn có 4 anh em khác nữa".
Khóc- cười với "tai nạn nghề nghiệp"
Ông cho biết, quê ở Tây Ninh và đến Sài Gòn sinh sống được 20 năm. Ban đầu, ông làm nghề đánh cá ven sông nên rất thạo sông nước, bơi lội giỏi. Hỏi cơ duyên nào đến với nghề "chống ngập", ông cho biết những lần đưa đứa con gái đi học, do đường ngập nên hai cha con vấp phải ổ gà té ngã, người ước sũng nước. Được bà con hướng dẫn cách né ổ gà khi đường ngập nước và cách xử lý rác khi miệng cống bị ngập, về nhà ông cứ trăn trở tại sao không giúp nhau bằng công việc đầy ý nghĩa như thế.
Vật là, mỗi đợt mưa xuống, triều cường xuất hiện là lúc ông chạy xe máy đến từng con hẻm, ngõ phố để giúp bà con. Thấy vậy, chính quyền UBND phường Hiệp Bình Chánh quyết định thành lập lực lượng quản lý đê của phường tính đến nay ông đã tham gia được 6 năm.
Ông Kính - người thuộc nằm lòng từng nắp cống, điểm ngập ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM
Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông đều chạy đi kiểm tra tất cả những nơi có ống cống.Nơi nào ngập nặng thì kéo máy bơm gửi nhà dân gần đó để hút nước. Kích cỡ từng ống cống, đặc tính con nước lên, nước xuống như thế nào ông Kính thuộc lòng như bàn tay.
Kể về những sự cố mình gặp phải, ông cho biết hồi tháng 9-2018, một đợt mưa ngập nặng. Trong lúc lo đắp đê và kéo rác ra miệng cống, chân ông đạp phải vật sắt nhọn, máu cứ thế tuôn ra. Lúc ấy, rác chưa được dọn hết nên nước liên tục dội ngược vào khu dân cư. Thương bà cn, ông cắn răng chịu đau để tiếp tục hoàn thành phần việc của mình. Vài giờ sau đó, vết thương sưng tấy do nhiễm trùng. Vùng da từ bụng trở xướng xuống liên tục nổi mẫn đỏ, ngứa ngáy.
Lo lắng nếu không kịp chữa trị sẽ nguy hiểm đến tính mạng, ông đi bệnh viện điều trị và nằm nghỉ dưỡng ở nhà 3 ngày. Nghỉ ngơi nhưng ông cảm thấy bứt rứt, thấy khó chịu trong người. Và dù vết thương chưa lành, ông vẫn dắt xe đi làm khi bà con cần.
"Sự cố khi móc cống vào ngày ngập nước như cơm bữa. Có lần, do mãi làm nên tôi còn bị nắp cống đè vào người. Có khi, thì nước siết quá khiến tôi tuột luôn... cả quần", ông Ba Kính vừa kể vừa cười sang sảng.
Dù tuổi đã con nhưng ông cho biết nếu còn sức sẽ tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Gắn bó với nghề "chống ngập", ông nói vợ và con gái là 2 người thiệt thòi nhất. "Vợ chưa bao giờ cản tôi làm công việc này, nhưng mỗi lần rời nhà là bà xã lo. Tới khi rảnh việc tôi nằm không lại đổ bệnh", ông Kính tâm sự. Mùa mưa, có khi có khi phải thay 3-4 bộ quần áo/ ngày. Thương cha, con gái ông khi đi làm về lại gom quần áo ra giặt.
Ông Kính cho hay nhờ công việc này mà ông có thêm những người bạn và hàng xóm thân thiết, luôn tối lửa tắt đèn có nhau. Ông chỉ hy vọng người dân có ý thức hơn, không nên xả rác gây tắc nghẽn cống và khiến công việc của ông cực nhọc hơn.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cho biết không ai có thể hiểu rõ từng ngóc ngách, cống nước. Với công việc này vào mùa mưa phải thường xuyên lội nước và có khi thâu đêm tuần tra, xử lý tránh nước vào nhà dân. "Ông Kính đã có nhiều đóng góp lớn cho cộng đồng và bà con ở địa phương", ông Tú khẳng định.
Bình luận (0)