Tôi giật mình, cười lỏn lẻn: "Dạ, ngon lắm". Nghe tôi nói vậy, bác Tư rất vui.
Bữa cơm chiều ấy nấu vội và không chuẩn bị trước nên chỉ có canh khoai từ nấu cá lóc đồng ăn với dưa mắm, tép rang. Ấy vậy mà tôi và anh sếp quất căng bụng, nồi cơm trơ đáy.
Tôi và anh sếp đi kiểm tra sâu hại trên vùng lúa đặc sản của công ty. Bác Tư không có bà con gì nhưng xem chúng tôi như người thân. Mỗi lần có dịp đi công tác, anh em trong công ty cũng hay ghé nhà bác ăn cơm. Có gì ăn nấy nhưng lần nào tôi cũng thấy thật ngon bởi tấm chân tình của người nông dân miền Tây ấy.
Lần này, bác cho tôi ăn món canh từ những củ khoai mới đào trong vườn nhà. Con cá lóc đồng là do thằng cháu cắm câu. Tép rang, dưa mắm cũng là thứ nhà có sẵn. Anh sếp tôi là người sành ăn, rất tinh ý nên nhận ra ngay hương vị khác biệt của món canh khoai từ chiều ấy. Vừa ăn, anh vừa nói: "Lâu lắm rồi con mới được ăn canh củ từ nấu với lá gừng". Đến lúc ấy tôi mới nhận ra mùi thơm vừa quen vừa lạ của tô canh là mùi lá gừng non. Tôi chợt nhớ ra, hồi nhỏ má tôi cũng hay nấu canh khoai với lá gừng.
Canh khoai từ của bác Tư nấu thật đơn giản. Củ khoai được gọt vỏ rồi lấy muỗng nạo hoặc dùng dao đập cho nhuyễn. Nấu nước sôi cho cá lóc vô, khi cá chín thì vớt ra rỉa thịt, bỏ xương. Sau đó cho khoai vào nấu chín, cho thịt cá vào, nêm nếm cho vừa ăn. Lá gừng non xắt thật nhuyễn. Khi nào nhắc nồi canh xuống thì cho lá gừng vào. Lúc múc ra tô ăn thì rắc thêm tiêu, tô canh sẽ thơm đậm ngọt ngào.
Nếu bạn chưa hình dung được cái sự "ngon thấu trời" của món canh quê mùa ấy thì hãy nhanh chân ra chợ mang về mấy củ khoai từ và vô bếp trổ tài. Bảo đảm bạn sẽ có một bữa cơm ngon lành cho ngày cuối tuần thong thả. Nếu không có cá lóc đồng thì tôm tép cũng là một lựa chọn hay. Bạn cũng có thể thay thế lá gừng bằng hành ngò nhưng chắc chắn tô canh sẽ không có mùi vị đặc biệt như món canh mà bác Tư đã nấu cho tôi ăn chiều ấy…
Bình luận (0)