Chúng tôi gặp chị Lê Thị Huệ, 47 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Thạnh, TP. Biên Hòa tại Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh. Chị Huệ cho biết, trước đây chị làm công nhân (CN) tại Công ty Pouchen Việt Nam với mức lương chưa tăng ca là 5,6 triệu đồng/tháng. Thời điểm trước Tết, cháu ngoại bệnh, không có ai trông giữ, chị phải xin nghỉ làm ở nhà trông cháu.
Chật vật tìm việc làm
Cứ nghĩ với tay nghề trên 10 năm của mình, một thời gian rồi sẽ tìm việc làm mới, thế nhưng 3 tháng nay, chị Huệ nộp hồ sơ ở công ty nào cũng chỉ nhận được cái lắc đầu vì lớn tuổi. Không tìm được việc, chị Huệ đành chấp nhận ở nhà giữ cháu ngoại. "Mình còn sức khỏe, nhưng ngặt nỗi đất đai không có, vốn liếng cũng không. Sắp tới chắc tôi nhận trông thêm 1 - 2 trẻ nữa lấy đồng ra đồng vào. Giá còn đi làm, mỗi tháng không tăng ca cũng nhận được hơn 6 triệu đồng. Giờ ở nhà vừa tốn kém, vừa chẳng làm gì ra tiền", chị Huệ nói.
Bà Lê Thị Huệ bên chồng và cháu ngoại
Không chỉ riêng chị Huệ, nhiều lao động nữ lớn tuổi khác đã nghỉ việc, xin đi làm lại rất khó. Cũng tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, chúng tôi gặp chị Trần Thị Thùy Trâm, 35 tuổi, ngụ tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Gương mặt lộ rõ sự mệt mỏi và lo lắng, chị Trâm chia sẻ: "Muốn tìm một công việc để kiếm tiền nuôi con mà khó quá chị ạ. Không biết bao nhiêu lần đến tận cổng công ty nộp hồ sơ, đi phỏng vấn và lên cả đây nữa mà vẫn chưa có việc". Hơn 2 năm trước, ngày chị lên bàn mổ sinh đứa con đầu lòng cũng là ngày chị nhận được tin nhắn không tiếp tục ký hợp đồng lao động tại một công ty ở KCN Amata. Kể từ đó, chị ở nhà chăm sóc con nhỏ; toàn bộ chi phí sinh hoạt đều nhờ vào đồng lương của chồng. Nhờ bạn bè giới thiệu, chị nhận làm lông mi giả tại nhà, nhưng thu nhập rất thấp và bấp bênh. "Lúc vừa tốt nghiệp đại học ngành Hóa thực phẩm, tôi đã từng có một công việc ưng ý tại phòng thí nghiệm của một công ty. Sau nhiều năm xin nghỉ việc để về quê lập gia đình và chạy chữa căn bệnh hiếm muộn vất vả và tốn kém, tôi đã không thể xin được một công việc phù hợp với tấm bằng và phải làm công nhân. Đến lúc sinh con lại bị công ty cho nghỉ việc. Giờ đang nuôi con nhỏ, tuổi lại cao, tìm việc rất khó. Tôi thật sự rất lo lắng", chị Trâm trải lòng.
Nghỉ việc chính thức… tìm việc thời vụ
Được biết, vừa qua, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh có chính sách khuyến khích lao động lớn tuổi nghỉ việc. Theo đó, những người làm việc từ 15 đến 20 năm, nếu nghỉ việc hẳn sẽ được công ty hỗ trợ một khoản tiền khoảng trên 100 triệu đồng tùy theo thâm niên. Chị Trần Thị Cúc, 40 tuổi, CN Công ty Pouchen Việt Nam, ngụ tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa là một trong số đó. Chị Cúc chia sẻ: "Từ khi nghỉ việc đến nay, lúc nào tôi cũng thấy tiếc nuối, buồn chán và bứt rứt trong người. Lấy gần 200 triệu đồng được hỗ trợ về, tôi chỉ biết gửi vào ngân hàng, chi tiêu dần vì cũng chưa biết tính toán như thế nào. Mới 40 tuổi, còn sức khỏe, còn minh mẫn, giờ chỉ biết ngồi nhà chơi. Hằng xóm, ai cũng đi làm hết cả. Nhiều người còn nghĩ mình làm biếng không chịu đi làm". Vì vậy, chỉ một tháng sau khi nghỉ việc, chị Cúc lại đôn đáo đi tìm công việc mới. Thế nhưng, những hồ sơ chị gửi đi đều không có hồi âm. Chị tiếp tục tìm đến các trung tâm môi giới việc làm để tìm kiếm công việc thời vụ. Gắn bó được gần một tháng với mức lương 150.000 đồng/ngày, chị quyết định nghỉ việc vì đồng lương không hề tương xứng với cường độ, môi trường, chế độ làm việc khắc nghiệt. "Giờ tôi chỉ mong mình tìm kiếm được công việc gì đó mà có thể nhận hàng về nhà làm rồi ăn theo sản phẩm như gia công may mặc chẳng hạn", chị nói. Theo chị Cúc: "Đợt trước Tết, khi nghe công ty chia sẻ rằng tình hình công ty đang gặp khó khăn, vì thế, nếu ai nghỉ đợt này sẽ được hỗ trợ một khoản tiền. Tôi được biết, dịp đó có đến gần 1.000 CN lớn tuổi tại công ty như tôi xin nghỉ. Lúc đó, thu nhập trung bình đạt hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại rất nhiều người đang nỗ lực tìm việc mới như tôi".
Chị Trần Thị Cúc chia sẻ khó khăn khi đi tìm việc làm mới
Thực tế hiện nay, rất nhiều DN tuyển dụng lao động với điều kiện độ tuổi từ 18 - 35, điều này đã làm hạn chế cơ hội tìm việc, thay đổi việc làm của lao động lớn tuổi. Vì vậy, với những CN đã lớn tuổi, vì một lý do nào đó mà xin nghỉ việc, cơ hội tìm việc làm mới là rất khó khăn. Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Thanh Thu cho biết, qua theo dõi các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng vài năm nay cho thấy, rất nhiều DN đưa giới hạn độ tuổi vào yêu cầu tuyển dụng. Lý do có thể hiểu là doanh nghiệp cho rằng lao động sau 35 và đặc biệt trên 40 tuổi năng suất lao động giảm đi khoảng 20%, trong điều kiện làm việc theo dây chuyền sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng sản phẩm. Đó là chưa kể lao động lớn tuổi thường khó đáp ứng được yêu cầu đi ca, tăng ca của DN. Trên thực tế, pháp luật quy định doanh nghiệp được phép tăng ca không quá 200 giờ/năm, tuy nhiên trong điều kiện đơn hàng gấp, doanh nghiệp có thể tăng ca 1 - 2 tháng liên tục, sau đó nghỉ tăng ca. Về luật họ không vi phạm, tuy nhiên nhiều lao động lớn tuổi không thể đáp ứng được.
DN cũng cho rằng lao động càng trẻ thời gian gắn bó với DN sẽ càng lâu. Bên cạnh đó, các DN gia công khi tuyển dụng lao động trẻ chỉ mất thời gian ngắn để đào tạo ngắn hạn cho người lao động thuần thục một khâu, một công đoạn nhất định vì thế không nhất thiết phải tuyển người có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông Thu cũng cho rằng, hiện vẫn có DN tư nhân tuyển dụng lao động lớn tuổi vào các vị trí như kiểm hàng, tổ trưởng, nhóm trưởng bởi lực lượng này thường có kinh nghiệm, có tay nghề và tâm lý muốn gắn bó lâu dài với DN vẫn cao hơn.
Bình luận (0)