Theo nhiều doanh nghiệp (DN), cùng với nhiều hoạt động xúc tiến đã được triển khai tích cực, với nhiều chính sách hỗ trợ, trong năm 2018 sẽ có nhiều thị trường mới với điều kiện tốt và thu nhập cao sẽ được mở rộng hơn nữa cho các lao động Việt Nam.
Nhiều thị trường tiềm năng
Trong năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và giữ vững được một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Trong năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến đàm phán để tiến tới ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với một số thị trường mới như Israel, Kuwait, Romania và Bulgaria. Mới đây, Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã được ký kết. Theo đó, người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan không phải trả tiền môi giới. Khoản tiền này sẽ do chủ sử dụng lao động Thái Lan trả cho công ty môi giới Thái Lan. Thị trường Thái Lan cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam.
Trong năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Đánh giá về một số thị trường mới trong năm nay, ông Trần Chiến Thắng, Trưởng phòng Marketting Công ty Cổ phần Cung ứng lao động Quốc tế cho biết, trong năm nay, Công ty sẽ tập trung vào khai thác thị trường Bulgaria. Trong năm 2017, công ty đã tiến hành kết nối và tìm hiểu về nhu cầu của các DN tại Bulgaria và nhận thấy các DN ở đây có nhu cầu cao về lao động thuộc các ngành nghề kĩ thuật như thợ điều khiển máy, thợ cơ khí, thợ hàn, thợ may công nghiệp... Mức lương cơ bản đối với lao động kĩ thuật đã qua đào tạo là từ 500 USD/tháng, nếu làm thêm giờ thì mức lương của lao động sẽ là 700-800 USD/tháng. "Tuy mức lương tại thị trường Bulgaria không phải là cao, nhưng nhu cầu của thị trường này khá lớn, yêu cầu tuyển dụng đối với lao động không cao. Ngay trong những tháng đầu năm chúng tôi đã tiếp nhận được một số đơn đặt hàng của DN Bulgaria, tuy số lượng chỉ vài chục lao động nhưng chúng tôi đặt khá nhiều kỳ vọng vào thị trường mới này", ông Thắng cho biết.
Cùng với thị trường Bulgaria, thị trường Romania cũng được các DN đánh giá là thị trường tiềm năng đối với lao động Việt Nam. Ông Nguyễn Hải Vui, Giám đốc Công ty Phát triển nguồn nhân lực Viettrains cho biết, Romania đang có nhu cầu rất lớn về nguồn lao động nước ngoài làm việc trong ngành xây dựng, mộc, may công nghiệp và giúp việc. Đây đều là những công việc phổ thông nên không yêu cầu bằng cấp, rất phù hợp với lao động phổ thông Việt Nam.
Nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ
Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB-XH cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, mỗi năm sẽ đưa được từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo.
Bộ LĐ-TB-XH cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, mỗi năm sẽ đưa được từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, nhiều DN hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản trong công tác tạo nguồn và đào tạo lao động về tay nghề và ngoại ngữ trước khi xuất cảnh, cũng như tác phong, kỷ luật lao động và ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài. Điển hình là công tác đưa lao động sang thực tập kỹ năng, hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản. Các DN cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động.
Việc đào tạo, nâng cao kĩ năng, tay nghề của NLĐ trước khi xuất khẩu được coi là thế mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong việc cạnh tranh các đơn hàng. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hải Vui, với việc Luật NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng cho phép tạo nguồn lao động để chuẩn bị cung ứng cho hợp đồng do những quy định về tuyển chọn lao động như hiện nay có thể khiến DN bỏ lỡ hợp đồng do không có nguồn lao động sẵn có để đối tác tuyển là một điểm mới trong hỗ trợ chính sách giúp DN có được nhiều đơn hàng hơn.
"Thực tế các DN đã từng tuyển lao động từ các trường cao đẳng nghề, hay các Trung tâm dạy nghề, nhưng phần lớn chất lượng đào tạo không đạt được như ý muốn của chủ sử dụng nước ngoài. Rất nhiều DN bị mất đơn hàng hoặc bị động trước những đơn hàng do không thể đáp ứng được yêu cầu của phía tiếp nhận. Vì vậy, tuyển lao động có tay nghề luôn là bài toán khó giải đối với các DN xuất khẩu lao động. Và trong bối cảnh hiện nay, dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài là xu hướng tất yếu để xuất khẩu lao động bền vững", ông Vui cho biết.
Bình luận (0)