“Là tờ báo luôn đồng hành cùng đời sống và việc làm của người lao động, chúng tôi xác định việc chăm lo, hỗ trợ CNVC-LĐ khó khăn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Với món quà hôm nay, chúng tôi mong muốn cùng các anh chị giải quyết phần nào khó khăn, bộn bề trước mắt”. Ông Nguyễn Văn Tín, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh như vậy trong buổi gặp gỡ 26 CNVC-LĐ mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động trong chương trình “Cùng công nhân (CN) vượt khó” sáng 14-1. Chương trình do Báo Người Lao Động phối hợp cùng các ngân hàng: Đông Á, ACB, Sacombank, Phương Nam và An Bình tổ chức.
Mùa Xuân ấm áp
Có mặt từ rất sớm, cô giáo trẻ Mai Thị Thắm (Trường Chuyên biệt Tương Lai, quận 5, TP HCM) rụt rè chọn góc khuất ngồi. Dù dạy ở quận 5 nhưng cô ở trọ tận xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM. Con đường đi về ngót nghét 40 km nhưng cô không còn lựa chọn nào khác vì ở xa mới có nhà trọ giá 1,5 triệu đồng cho hai vợ chồng, đứa con nhỏ, mẹ cùng 2 em.
Chồng Thắm làm mướn, công việc bấp bênh, lương của cô giáo sinh năm 1990 dạy trẻ khuyết tật này cũng chẳng bao nhiêu. Đã vậy, năm 2011, cô phát hiện mình bị ung thư bàng quang, khó khăn càng thêm chồng chất.
“Nhận được thư mời đến dự buổi gặp gỡ, tôi nghẹn ngào muốn khóc. Vậy là năm nay gia đình tôi có tiền để đón Tết, mua áo mới cho con rồi. Quan trọng hơn là cả gia đình có thể về quê, đón một cái Tết ấm áp, sum vầy” - cô Thắm tâm sự.
Chia sẻ với chương trình, chị Trần Thị Lan Thanh, Công ty Cao su Thống Nhất - Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, không nén được xúc động. Chồng bỏ theo người khác, một mình chị nuôi con suốt 14 năm ròng. Cuộc sống như muốn thử thách Thanh lần nữa khi bắt chị phải gánh chịu căn bệnh ung thư vòm họng.
“Để làm chỗ dựa cho con, tôi sống rất lạc quan. Con tôi cũng thương mẹ nên cháu cố gắng học và học rất giỏi” - khoe hình con trai trong điện thoại, chị bộc bạch.
Trong khi đó, cô gái có gương mặt xinh xắn nhưng bị chứng bệnh “phù chỉ chân voi” Thị Chành Thi (CN Công ty Upgain, KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM) đã khiến nhiều người cảm phục với câu chuyện vượt qua bệnh tật, mặc cảm để sống, làm việc tốt. Bất chấp bao khó khăn, hằng ngày, Thi vẫn cố gắng làm việc để nuôi bản thân và dành dụm gửi cho cha mẹ ở quê đã mất sức lao động.
Thi cho biết sẽ dùng số tiền của chương trình trao tặng để mua 1 máy vắt sổ, may quần áo thêm cho CN ở xóm trọ. “Có máy, tôi không phải đi bộ mấy cây số để ra chợ vắt sổ cho khách. Hy vọng việc may vá khá hơn, tôi có thêm thu nhập giúp cha mẹ” - Thi bày tỏ.
Cho những ước mơ còn dang dở
Cùng chồng đến tham dự chương trình, mỗi khi nghe mọi người bộc lộ về cuộc sống và ước mơ của họ, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (CN Công ty Quảng Việt) lại rơm rớm nước mắt. Khoảng thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư đường ruột giúp chị hiểu và đồng cảm với những khó khăn, đau đớn mà các CN có mặt trong buổi gặp gỡ phải gánh chịu. Chị có cảm giác họ đang nói thay nỗi đau của mình.
Vì vậy, dù mất hơn 2 giờ để di chuyển từ nhà (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đến tham dự chương trình, chị Yến vẫn thấy chuyến đi này thật có ý nghĩa. Suốt 4 tháng nay, chị phải tạm nghỉ việc về quê sống. Để chăm sóc vợ, chồng chị cũng phải nghỉ làm, cuộc sống của gia đình chồng chất khó khăn.
“Lo nhất là khoản chi phí 11 triệu đồng để phẫu thuật lần hai vào tháng 3 tới. Sự giúp sức kịp thời của chương trình “Cùng CN vượt khó” rất ý nghĩa với tôi. Với số tiền này, tôi dành một khoản để chữa bệnh, phần còn lại sẽ mua heo nuôi” - chị Yến cho biết.
Bị lao khớp gối và đã trải qua 3 lần phẫu thuật, mỗi bước đi của chị Phạm Thị Ri (CN Công ty Dịch vụ Công ích quận 10, TP HCM) vô cùng khó khăn. Cùng chồng đến dự chương trình “Cùng CN vượt khó” trên đôi nạng gỗ, chị cho biết chỉ với đoạn đường ngắn từ quận 8 đến quận 3 mà hai người phải mất hơn một giờ mới đến nơi vì anh không dám chạy xe nhanh, sợ vợ bị đau. Biết chị Ri đi đứng bất tiện nên các mạnh thường quân đã xuống tận chỗ chị ngồi để tặng quà và động viên.
Cảm động trước nghĩa cử của những người thực hiện chương trình, chị Ri thổ lộ: “Mỗi ngày chiến đấu với bệnh tật, đau đớn khiến tôi càng thêm trân trọng cuộc sống, trân trọng tình cảm, những chia sẻ, động viên từ đồng nghiệp và cộng đồng. Dù bước đi khó khăn, tôi vẫn muốn đến tận nơi để tham dự và cảm ơn mọi người. Với số tiền chương trình trao tặng, tôi sẽ mở một tiệm tạp hóa ở quê để sinh sống”.
Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Tiếp thêm động lực cho CN khó khăn
Chương trình “Cùng CN vượt khó” do Báo Người Lao Động phối hợp với các ngân hàng thực hiện là việc làm thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Chương trình đã góp thêm niềm vui, nụ cười và tiếp thêm động lực cho CN khó khăn, nhất là trong dịp Xuân Ất Mùi sắp đến.
Bên cạnh 26 CN được hỗ trợ hôm nay, vẫn còn rất nhiều trường hợp khác cần được tiếp sức. Vì vậy, LĐLĐ TP mong muốn báo tổ chức thêm nhiều chương trình hay, hữu ích khác để ngày càng nhiều CN khó khăn được giúp đỡ.
Đến tham dự chương trình hôm nay, LĐLĐ TP HCM rất trân trọng và cảm ơn ban lãnh đạo các ngân hàng: Đông Á, Sacombank, Phương Nam, ACB, An Bình đã luôn đồng hành cùng tổ chức CĐ TP nói chung và Báo Người Lao Động nói riêng trong việc chăm lo cho CNVC-LĐ, nhất là các anh chị CN không may mắc phải bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn lao động. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ngân hàng Đông Á:
Đưa “Cùng công nhân vượt khó” thành thương hiệu
Chúng tôi đã đồng hành cùng chương trình “Cùng CN vượt khó” từ cuối năm 2008 đầu năm 2009, khi TP HCM rộ lên tình trạng CN bị mất việc do chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, DN khó khăn phải ngừng hoạt động. Tôi nhớ rất rõ khi ấy, chúng tôi cùng các phóng viên, nhân viên của Báo Người Lao Động lặn lội xuống tận các DN, khu nhà trọ để trao quà cho CN bị mất việc. Từ việc làm này, hàng ngàn CN nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ được hỗ trợ. Năm 2014, chương trình tiếp tục với đối tượng là CNVC-LĐ mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động.
Tôi đánh giá đây là một chương trình vô cùng nhân văn, thấm đẫm nghĩa tình, cần đẩy mạnh hơn nữa để “Cùng CN vượt khó” trở thành một thương hiệu trong việc chăm lo, đồng hành của tổ chức CĐ và DN dành cho CNVC-LĐ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các ngân hàng tham gia để tạo được nguồn quỹ lớn hơn, đưa chương trình đi xa hơn, đến với nhiều CNVC-LĐ còn khó khăn hơn.
Bà Phan Thị Lan - Chủ tịch LĐLĐ quận 6, TP HCM:
Có ý nghĩa tinh thần to lớn
Đến dự chương trình “Cùng CN vượt khó” do Báo Người Lao Động phối hợp với các ngân hàng tổ chức, được tiếp xúc, được lắng nghe những chia sẻ của các anh chị em CN có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi rất xúc động.
Là cán bộ Công đoàn (CĐ), chúng tôi rất mừng vì sự giúp sức của Báo Người Lao Động và các mạnh thường quân dành cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh không may. Sự giúp đỡ không chỉ về vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần to lớn, tiếp thêm sức mạnh giúp anh chị em CN vượt qua bệnh tật; tiếp tục làm việc, vui sống.
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ Cao, TP HCM):
Chân tình, ấm áp
Chương trình được tổ chức trong khoảng thời gian ngắn nhưng sự ấm áp, chân tình đã mang lại niềm vui trọn vẹn cho những CNVC-LĐ được giúp đỡ, cả những người làm công tác CĐ ở cơ sở như tôi cũng thấy ấm lòng. Tôi tin rằng sự giúp đỡ về vật chất và những tình cảm nhận được từ chương trình “Cùng CN vượt khó” sẽ giúp họ lạc quan, vững bước hơn trong cuộc sống.
Tôi hy vọng chương trình sẽ ngày càng được nhân rộng hơn nữa để mang thêm thật nhiều mùa Xuân ấm áp cho những CN có hoàn cảnh khó khăn.
Bình luận (0)