Từ việc đơn giản hóa các loại thủ tục, đặc biệt là việc người không đăng ký tạm trú vẫn được nhận hỗ trợ, cộng thêm sự linh động của địa phương "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà trọ" nên nhìn chung hầu hết người dân, đặc biệt là người lao động (NLĐ) đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã nhận được hỗ trợ.
Gõ từng phòng, trao tận tay
Dịch Covid-19 kéo dài khiến cuộc sống của NLĐ thêm vất vả. Vì thế, khi nhận khoản tiền hỗ trợ theo quy định của địa phương, nhiều người mừng rơi nước mắt.
Chị Hà Thị Hạnh (ở trọ tại TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết từ khi dịch xảy ra, vợ chồng chị phải ở nhà, mọi chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào khoản tiền tích cóp ít ỏi. Cách đây 1 tuần, chị Hạnh cùng nhiều công nhân (CN) ở trọ được đại diện khu phố xuống trao tiền hỗ trợ thuê nhà (300.000 đồng) và tiền hỗ trợ mua lương thực, thực phẩm (500.000 đồng). Ngoài ra, chị Hạnh còn được hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng cho đối tượng lao động tự do. Cầm số tiền lớn trên tay, chị Hạnh mừng khôn xiết, bởi với gia đình chị nó như chiếc phao cứu sinh để vượt qua lúc khó khăn này.
Hạnh kể, 3 năm trước, chị làm CN may trong KCN Sóng Thần 2, sau đó nghỉ làm để sinh con. Đầu tháng 5, khi các con đã cứng cáp, chị mới đi làm trở lại thì cũng là lúc dịch bùng phát và phải ở nhà cho đến nay.
Công đoàn KCN Việt Nam - Singapore chuẩn bị quà tặng cho công nhân trong khu cách ly
Đây là tình cảnh chung của phần lớn NLĐ trong đại dịch Covid-19. Trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc di chuyển của NLĐ bị hạn chế tối đa, đặc biệt là nhiều phường của thị xã Tân Uyên, TP Dĩ An và TP Thuận An đang thực hiện biện pháp "khóa chặt, đông cứng". Do đó, cán bộ phụ trách chi trả tiền hỗ trợ phải đến từng phòng trao tận tay cho NLĐ. Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết để đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho NLĐ, sở đã có văn bản lưu ý các địa phương không được đưa ra yêu cầu không phù hợp để gây khó NLĐ như: photo các loại giấy tờ tùy thân, xác nhận tạm trú, tạm vắng... Các đối tượng hỗ trợ chỉ cần có mặt tại địa phương trong thời điểm lập danh sách là được hỗ trợ. "Chúng tôi yêu cầu các địa phương phải đi từng ngõ, gõ từng nhà trọ để rà soát, xem có ai chưa đăng ký các gói hỗ trợ cấp thiết của Chính phủ và địa phương hay chưa. Nhờ đó, nhiều trường hợp bỏ sót được lập bổ sung kịp thời và nhận tiền hỗ trợ ngay" - ông Cường cho hay.
Phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một là địa phương làm tốt việc triển khai các gói hỗ trợ, với hơn 10.000 lao động tự do được chi hơn 8 tỉ đồng.
San sẻ kịp thời
Từ khi dịch bệnh xảy ra, đội cán bộ Công đoàn chuyên trách tỉnh không còn thời gian dành cho gia đình. Họ không quản nắng, mưa, ngày nghỉ, thậm chí làm việc xuyên đêm để bốc vác, phân chia hàng trăm tấn hàng hóa gửi đến các khu nhà trọ, khu cách ly, rồi vào nhiều doanh nghiệp (DN) có F0 để vận động, cùng lãnh đạo DN tổ chức phòng chống dịch sao cho hiệu quả nhất.
LĐLĐ tình Bình Dương đã thành lập một đội phản ứng nhanh gồm 30 thành viên, người đứng đầu là Chủ tịch LĐLĐ tỉnh. Lực lượng này đảm nhận cùng lúc nhiều công việc khác nhau. Đặc biệt, trong thời gian này, Bình Dương đang triển khai xét nghiệm diện rộng, những cán bộ Công đoàn đã đến nơi có đông CN để hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm. Có hôm, họ thức suốt đêm để phân loại hàng hóa cứu trợ để sáng mai kịp gửi đến CN khó khăn tại các khu cách ly, nhà trọ. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết đơn vị đã tiếp nhận khoảng 395 tấn hàng hóa, thiết bị, gạo, mì, rau củ quả, nhu yếu phẩm các loại, qua đó đã cấp phát, hỗ trợ đến các địa bàn trên toàn tỉnh, đối tượng chủ yếu là CN khó khăn. Đối với việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 theo Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến hết ngày 31-8, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã chi cho hơn 114.000 người, với hơn 91 tỉ đồng, trong đó ngân sách Công đoàn chi hơn 89 tỉ đồng, còn lại là xã hội hóa.
Chi hỗ trợ hơn 1.340 tỉ đồng
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã chi hỗ trợ cho 2.598.996 lượt trường hợp, với số tiền là 1.340,644 tỉ đồng. Trong đó, chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 NĐ-CP của Chính phủ 287.543 trường hợp, với số tiền là 413,06 tỉ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà 1.140.714 trường hợp, với số tiền là 342,214 tỉ đồng; Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 1.170.739 trường hợp NLĐ ở trọ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 585,369 tỉ đồng.
Bình luận (0)