Đối với người lao động (NLĐ), cùng với lương, chế độ phúc lợi thì nơi ở là mối quan tâm hàng đầu. Do đó, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều công nhân (CN) Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa (quận Tân Phú, TP HCM) phải ngừng việc để phòng chống dịch cảm thấy may mắn khi được bố trí ở ổn định tại khu nhà trọ của doanh nghiệp (DN) tại huyện Củ Chi, TP HCM. Với giá thuê ưu đãi 500.000 đồng/tháng, NLĐ an tâm bám trụ chờ ngày được quay trở lại làm việc.
Lo nỗi lo của công nhân
Ông Nguyễn Xuân Tỉnh, CN công ty, cho biết vợ chồng ông cùng làm việc tại công ty khoảng 20 năm và được công ty ưu tiên bố trí ở khu nhà trọ. Trong thời gian tạm ngừng việc để phòng chống dịch Covid-19, gia đình ông và các CN ở trọ đều được công ty hỗ trợ chi phí thuê trọ, tiền điện - nước, đồng thời thường xuyên được tiếp tế thực phẩm… "Trong thời điểm khó khăn, công ty vẫn chăm sóc cho NLĐ chu đáo nên chúng tôi an tâm ở lại TP, chờ dịch bệnh được kiểm soát để quay trở lại làm việc" - ông Tỉnh bày tỏ.
Công nhân Công ty TNHH Thực phẩm Asuzac luôn được doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đầy đủ .Ảnh: HỒNG ĐÀO
Bà Nguyễn Thị Kim Vui, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết trong số gần 200 CN làm việc tại công ty, có khoảng 60 người đang ở 30 phòng trọ do công ty xây dựng. Đa số là CN có nhiều năm gắn bó với công ty, số còn lại phần lớn có nhà riêng hoặc lựa chọn nơi trọ gần để tiện đi làm. "Công ty chỉ thu tượng trưng số tiền thuê phòng trọ để CN có trách nhiệm với nơi mình ở. Vì có nơi ở ổn định với chi phí thấp nên nhiều NLĐ an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với DN. Hiện đa số NLĐ đã trở lại công ty làm việc và toàn bộ đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19" - bà Vui nói.
Hai năm qua, Công ty TNHH Phát triển thương mại Tuyết Hạnh (chuyên sản xuất vali, túi xách, ví; quận Gò Vấp, TP HCM) đã 2 lần tạm ngưng sản xuất do tác động của dịch Covid-19. Lần đầu là vào giữa năm 2020, DN phải đóng cửa hơn 1 tháng do cạn kiệt đơn hàng, lần thứ hai kéo dài hơn 2 tháng do TP HCM áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Dù trải qua nhiều khó khăn nhưng ngày DN tái mở cửa vào đầu tháng 10-2021, hầu hết NLĐ đã quay trở lại. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Liên, Chủ tịch Công đoàn công ty, 2 năm qua là quãng thời gian khủng hoảng nhất kể từ khi thành lập. Dù khó khăn nhưng ban giám đốc vẫn cố gắng chăm lo cho NLĐ trong khả năng của mình. Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, lường trước sẽ tiếp tục khó khăn nhưng DN vẫn tăng tiền ăn giữa ca từ 17.000 đồng lên 20.000 đồng/suất, đồng thời tăng thêm lương từ 300.000 - 500.000 đồng/người. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, những NLĐ không may bị mắc bệnh thì ngoài chính sách chăm lo của tổ chức Công đoàn, còn được ban giám đốc hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.
Ổn định lao động bằng phúc lợi
Từ ngày 4-10, toàn bộ 136 CN Công ty TNHH Thực phẩm Asuzac (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) đã trở lại làm việc. Để có được kết quả đó, thời gian qua, ban giám đốc và Công đoàn đã phối hợp chăm lo, hỗ trợ thiết thực, góp phần động viên công nhân làm việc.
Tại Công ty TNHH Thực phẩm Asuzac, kể cả khi gặp khó khăn, ngoài lương cơ bản, hằng tháng công ty còn hỗ trợ thêm một số khoản phụ cấp cho CN như: chuyên cần (300.000 đồng/tháng), thuê nhà (500.000 đồng/tháng), xăng xe (300.000 đồng/tháng), độc hại (500.000 đồng/người/tháng)… Bà Phan Thị Thùy Duyên, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho hay đa số CN làm việc từ 10 năm trở lên với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Trong thời gian cả TP thực hiện giãn cách, công ty đã thực hiện "3 tại chỗ" với khoảng 100 lao động để bảo đảm đơn hàng cho khách. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 vừa qua, ngoài các khoản chi của ban giám đốc, mỗi lao động nữ còn được Công đoàn tặng một phần quà trị giá 500.000 đồng.
Sau thời gian thực hiện "3 tại chỗ", mới đây, toàn bộ 107 CN Công ty TNHH Fuji Impluse (KCX Linh Trung I; TP Thủ Đức, TP HCM) đã trở lại làm việc. Để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, công ty bố trí 75% nhân sự ở bộ phận sản xuất đi làm; 25% nhân sự văn phòng, kinh doanh làm việc tại nhà. Ông Đặng Văn Nhơn, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết trong suốt thời gian giãn cách, ngoài lực lượng lao động thực hiện "3 tại chỗ" hoặc làm việc tại nhà vẫn hưởng 100% lương thì NLĐ ở "vùng đỏ" hoặc không tham gia "3 tại chỗ" vẫn được công ty trả 50%-75% lương. "Bên cạnh việc duy trì mức lương ổn định, ban giám đốc còn mua thêm bảo hiểm sức khỏe cho NLĐ làm việc từ 5 năm trở lên. Vì thế, sau thời gian dài khó khăn vì dịch Covid-19, công ty vẫn giữ được 100% NLĐ" - ông Nhơn cho hay.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-10
Kỳ tới: Tận lực chăm lo
Bình luận (0)