Sáng 30-11, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng tổ chức tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) tại TP Đà Nẵng". Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp (DN).
Khó tuyển người
Đà Nẵng hiện có khoảng 44.000 nhân lực CNTT, phần lớn tập trung trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Dựa trên số liệu dự báo của Đề án Quy hoạch chung thành phố, trong giai đoạn 2022 - 2025, Đà Nẵng cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm. Trong giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm.
Tuy nhiên, khảo sát của Viện Chiến lược CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho thấy chỉ khoảng 15% sinh viên (SV) ngành CNTT mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu DN; 72% SV không có kinh nghiệm thực hành và 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm. Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, cho biết thị trường đang thiếu hụt nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm cho các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất các sản phẩm ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, thành phố thông minh, an toàn, an ninh thông tin...; nhân lực cho các trưởng nhóm, quản trị dự án...
"Nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước mỏng, chưa bảo đảm triển khai chuyển đổi số. Bên cạnh tình trạng cán bộ CNTT tại cơ quan thành phố chuyển việc, thôi việc tăng cao trong thời gian qua, việc thu hút, tuyển dụng nhân lực CNTT trong khu vực công khó khăn do không cạnh tranh nổi với DN" - ông Thạch nói.
Ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Phần mềm Đà Nẵng, cho rằng hiện nhu cầu nhân lực CNTT ở Đà Nẵng là rất lớn, đặc biệt ở các phân khúc phổ thông như: lập trình viên, kiểm tra chất lượng phần mềm... Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này vẫn chưa nhiều, nhất là nhân lực đủ khả năng làm việc quốc tế ít, khó tìm.
Còn ông Lee Jong Wook, Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Đà Nẵng, cho hay 2 năm trước, công ty bắt đầu với 50 lao động, đến nay đã có 250 người và dự kiến sẽ tăng 500 người thời gian tới. Nhưng tình hình tuyển dụng ở Đà Nẵng rất khó khăn khi nhìn vào thực trạng hiện nay.
Giai đoạn 2022 - 2025, TP Đà Nẵng cần bổ sung khoảng 7.500 nhân lực công nghệ thông tin mỗi năm
Cần có chính sách hấp dẫn
Để giải quyết bài toán nhân lực, ông Lee Jong Wook đề xuất chính quyền thành phố cần có những chính sách phù hợp để thu hút nhân tài, vì hiện môi trường làm việc và cơ sở hạ tầng không hấp dẫn với lao động trẻ. Do đó, chính quyền cần để họ hiểu được nơi dừng chân và nơi ở lại khác nhau như thế nào. "Với vai trò là "vườn ươm", các trường ĐH phải tạo điều kiện cho SV có năng lực, kỹ năng làm việc tốt cho DN. Đặc biệt là tạo điều kiện giữa các bên liên quan gặp nhau để trao đổi" - ông Lee Jong Wook hiến kế.
PGS-TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT có ý nghĩa quyết định để tạo nền tảng, cơ sở cho chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ. Do vậy, cần nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường ĐH và DN CNTT. "Nhà nước cần có các chính sách giảm thuế, hợp tác giữa nhà trường - DN CNTT. Bên cạnh đó, DN hỗ trợ nhà trường trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, giúp cho giảng viên, SV tiếp cận với sản phẩm công nghệ mới để phù hợp với thực tế sản xuất CNTT" - PGS-TS Lê Thành Bắc đề xuất.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định Đà Nẵng xác định CNTT là nền tảng để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Qua đó, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, đủ năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa DN, nhà đầu tư, các hiệp hội và cơ sở đào tạo; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho các DN, nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT.
"Nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực CNTT là yếu tố quan trọng, quyết định sự tăng trưởng bền vững của kinh tế thành phố. Mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa các bên liên quan - cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, DN, nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng" - bà Yến nhấn mạnh.
Bình luận (0)