Nhắc đến Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương, nhiều cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM đánh giá cao nỗ lực bình ổn quan hệ lao động của ban giám đốc và Công đoàn (CĐ) cơ sở. Dù thu nhập không cao (khoảng 6 triệu đồng/tháng) nhưng hơn 300 lao động tại đây đều xem công ty như ngôi nhà thứ hai. Kết quả ấy có đóng góp không nhỏ của anh Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch CĐ cơ sở.
Người truyền cảm hứng
Năm 2004, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Sơn xin vào làm công nhân (CN) tại Công ty TNHH Dinsen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM). Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh không ngần ngại nhận lãnh những nhiệm vụ khó khăn nhất ở bộ phận thêu vi tính. Nỗ lực ấy của anh được ban giám đốc ghi nhận, đề bạt lên làm tổ trưởng tổng vụ, chỉ sau 2 năm làm việc. Năm 2007, khi bộ phận thêu vi tính của công ty tách ra thành lập Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương, anh Sơn tiếp tục được lãnh đạo doanh nghiệp (DN) bổ nhiệm làm trưởng phòng hành chính - nhân sự.
Anh Liêu Ngọc Sơn luôn gần gũi, quan tâm đoàn viên
Lý giải cho sự thăng tiến vượt bậc đó, Sơn nói bản thân anh thích chinh phục khó khăn bởi có đương đầu với thử thách thì người thợ mới trưởng thành hơn. "Lùi bước trước khó khăn cũng đồng nghĩa với thất bại ngay từ khi bắt tay vào công việc. Tôi tâm niệm cứ làm hết sức mình, khó ở đâu gỡ ở đó thì sẽ thành công" - anh Sơn bộc bạch.
Năm 2008, khi Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương thành lập CĐ cơ sở, một số lao động từ chối vào ban chấp hành CĐ lâm thời vì ngại không làm tròn trách nhiệm, chưa kể tâm lý không muốn va chạm với người sử dụng lao động. Khi được chỉ định làm chủ tịch CĐ lâm thời, anh tìm mọi cách động viên họ tham gia BCH bởi từ chối nghĩa là phụ sự tin tưởng của người lao động (NLĐ). Thời điểm đó, dù phải tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu song anh vẫn dành thời gian để gầy dựng phong trào tại DN. Những hạn chế về kinh nghiệm được anh khỏa lấp bằng sự nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, nhờ vậy thu hút ngày càng đông NLĐ gia nhập CĐ. Chính sự xông xáo ấy của anh đã truyền cảm hứng cho thành viên trong ban chấp hành CĐ cơ sở, từ đó chung tay nâng chất hoạt động.
Gắn kết doanh nghiệp và NLĐ
Xuất phát điểm là CN trực tiếp sản xuất nên anh Sơn hiểu họ cần gì. Ở vai trò quản lý thường xuyên tiếp xúc với chủ DN, anh cũng nhận ra rằng để chăm lo tốt hơn cho NLĐ thì vai trò của tổ chức CĐ phải được người sử dụng lao động nhìn nhận.
Từ suy nghĩ đó, ngoài khéo léo triển khai hoạt động phong trào không ảnh hưởng đến sản xuất, cùng với các thành viên trong ban chấp hành, anh còn vận động tập thể NLĐ nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc. Những khi đơn hàng vào mùa cao điểm, hiểu được nhu cầu huy động nhân lực của DN, CĐ lên kế hoạch vận động tập thể NLĐ tăng ca. Để NLĐ hưởng ứng và sẵn lòng hỗ trợ DN, anh mạnh dạn đứng ra thuyết phục ban giám đốc trả 160% tiền lương tăng ca, thay vì 150% như quy định.
Đề xuất hợp lý này được ban giám đốc vui vẻ chấp thuận. Với các kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ, anh chịu khó chắt lọc và giải trình cặn kẽ trong quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với ban giám đốc. Do vậy, những lập luận có cơ sở của anh luôn sớm nhận được sự đồng thuận của DN và giúp NLĐ được hưởng quyền lợi cao hơn luật định. Nhờ đó, thỏa ước lao động tập thể tại công ty được ký kết có nhiều nội dung có lợi cho NLĐ. Ngoài tăng lương định kỳ hằng năm, NLĐ được hưởng thêm thưởng năng suất, phụ cấp chuyên cần, sinh hoạt, nuôi con nhỏ; thưởng lương tháng 13; phụ cấp tăng ca đêm được tính 50% (so với luật là 30%); mỗi năm làm việc, NLĐ được tăng thêm 2 ngày lương; ăn giữa ca với giá 19.800 đồng/suất…
Bên cạnh việc đề xuất DN cải thiện chính sách phúc lợi cho NLĐ, anh thường xuyên vận động ban giám đốc tham gia vào các hoạt động chăm lo do CĐ khởi xướng như: thăm hỏi, động viên đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo; tặng vé tàu Tết, lắp đặt phòng vắt - trữ sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc... Thông qua các hoạt động này, sự gắn kết giữa DN và NLĐ trở nên bền chặt hơn. Nữ CN Nguyễn Tuyết Ngọc chia sẻ: "Thân thiện, hòa đồng, luôn hết mình với DN và NLĐ, anh Sơn trở thành thủ lĩnh thực sự của đoàn viên. Những hoạt động chăm lo thiết thực do CĐ tổ chức khiến NLĐ cảm thấy rất ấm áp". Với những cống hiến xuất sắc ấy, tháng 3-2014, anh Sơn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Khi đủ điều kiện, anh đã vận động DN thành lập chi bộ Đảng. Sau 5 năm thành lập, từ 3 đảng viên, đến nay chi bộ Đảng đã có 7 đảng viên, trong đó có 5 người là CN sản xuất. Cuối năm 2018, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ.
Không chỉ giỏi chuyên môn, anh Liêu Ngọc Sơn còn là một bí thư, một chủ tịch CĐ gương mẫu, hết lòng với DN và NLĐ. Sự hiện diện của anh với các hoạt động có điểm nhấn giúp quan hệ giữa DN và NLĐ thêm gắn kết và đây cũng là cơ sở để ổn định quan hệ lao động lâu dài".
Bà KE HUI-XIN (đại diện Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-1
Kỳ tới: Hài hòa lợi ích
Bình luận (0)