Qua nhiều lần hòa giải không thành, những tưởng hơn 430 công nhân (CN) Xí nghiệp (XN) 2 Công ty TNHH May Thời trang Gia Phú (quận Tân Phú, TP HCM) và chủ doanh nghiệp (DN) sẽ đưa nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp. Thế nhưng, nhờ có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng, đặc biệt là nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ) chuyên trách quận Tân Phú và Bình Tân, vụ tranh chấp lao động đã được xử lý ổn thỏa, giúp hàng trăm CN được hưởng đầy đủ quyền lợi.
Đòi tiền tỉ cho công nhân
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tình trạng bất ổn tại XN 2 khởi phát từ tháng 12-2019, do công ty chậm trả lương, không công khai đơn giá sản phẩm và chậm công bố thưởng Tết.
Một buổi hòa giải tranh chấp giữa công ty và người lao động ở Xí nghiệp 2 Công ty TNHH May Thời trang Gia Phú
Theo phản ánh của tập thể CN, dù trả lương theo sản phẩm nhưng công ty không công khai đơn giá và điều này khiến họ vô cùng bức xúc, yêu cầu ban giám đốc phải minh bạch cách trả lương. Khi CN ngừng việc, lãnh đạo công ty cam kết với các cơ quan chức năng sẽ công khai đơn giá sản phẩm nhưng cuối cùng không thực hiện. Bức xúc khác của CN là công ty chỉ thưởng Tết cho CN làm việc tại 2 XN khác, còn tại XN 2 thì không được thông báo. Khi CN tại chi nhánh ngừng việc phản ứng thì công ty mới đồng ý thưởng Tết, song mức thưởng chỉ khoảng 60% thu nhập bình quân hằng tháng. Sau khi LĐLĐ và các cơ quan chức năng quận Bình Tân và Tân Phú can thiệp, công ty mới chấp thuận nâng tổng quỹ tiền thưởng tháng 13 (từ 1,1 tỉ đồng lên 2 tỉ đồng). Đỉnh điểm bức xúc là vào ngày 8-2, khi công ty thông báo sẽ đóng cửa XN 2. Toàn bộ CN đang làm việc tại đây sẽ được chuyển sang làm việc tại 2 XN còn lại ở quận Tân Phú và Bình Tân, nếu ai không đồng ý thì nộp đơn nghỉ việc. Việc công ty thông báo di dời đột ngột và không rõ ràng trong việc chi quyền lợi khi nghỉ việc đã khiến tập thể CN ngừng việc tập thể. Thời điểm này, do chủ DN không có mặt tại Việt Nam nên việc giải quyết các kiến nghị của NLĐ đi vào ngõ cụt. "Căng nhất là việc CN và công ty không thống nhất được đơn giá sản phẩm để tính lương vì mỗi bên đều có lý lẽ riêng. Để giải quyết vấn đề này, LĐLĐ và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận chủ động đề xuất Thường trực Quận ủy, UBND quận yêu cầu công ty cử người đại diện pháp lý gặp cơ quan nhà nước để công khai đơn giá tiền lương, đồng thời đối thoại trực tiếp với NLĐ. Kết quả, trong lần thương lượng sau đó, công ty đã đồng ý nâng đơn giá sản phẩm. Ngoài ra, công ty bổ sung 418 triệu đồng tiền thưởng Tết cho CN" - ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, kể.
Không bỏ cuộc
Mặc dù đạt được sự đồng thuận về đơn giá sản phẩm và tiền thưởng Tết, song giữa tập thể lao động XN 2 và ban giám đốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết chế độ khi chuyển nhà xưởng. Trong thời điểm nhạy cảm ấy, công ty lại điều động 2 xe container đến di chuyển vật tư và máy móc ra khỏi XN 2 và điều này khiến CN thêm bức xúc. Để ngăn công ty tẩu tán tài sản, họ thay phiên canh gác.
Hiểu được bức xúc của NLĐ, LĐLĐ quận Bình Tân và Tân Phú đã phân công cán bộ CĐ túc trực 24/24 tại XN 2 để ổn định tình hình. Song song đó, LĐLĐ 2 quận tiếp tục làm cầu nối để DN và NLĐ thương lượng. Do DN không nhượng bộ nên đã có 295 CN gửi đơn khởi kiện ra tòa.
Sau khi nộp đơn khởi kiện, một số CN đã liên hệ với LĐLĐ quận Tân Phú bày tỏ nguyện vọng muốn tiếp tục thương lượng với chủ DN. Đáp ứng nguyện vọng NLĐ, LĐLĐ quận Tân Phú đã liên hệ với chủ DN để sắp xếp buổi hòa giải. Rút kinh nghiệm từ các lần hòa giải trước, LĐLĐ và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận đã mời các luật sư có kinh nghiệm từ Hội Luật gia quận tham gia. Tại buổi hòa giải, thông qua mổ xẻ, phân tích của các luật sư và các cơ quan chức năng, cả DN và NLĐ hiểu rõ được thiệt hơn nếu tiếp tục kéo dài tranh chấp. Kết quả là 2 bên đồng ý hòa giải thành. Theo đó, công ty thống nhất hỗ trợ 631 triệu đồng cho CN nghỉ việc, còn NLĐ cam kết rút đơn khởi kiện.
Giúp DN và NLĐ hiểu luật
Bà Phạm Ngọc Lan - Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM - cho rằng để giải quyết tranh chấp lao động hiệu quả, tổ chức CĐ và các cơ quan quản lý nhà nước phải theo dõi sát sao diễn biến tình hình để từ đó có sự chỉ đạo, phối hợp giải quyết. Với các cơ quan tham mưu, phải đánh giá chính xác diễn biến thực tế tranh chấp để đề xuất các giải pháp khả thi nhằm hài hòa lợi ích các bên. "Cần phải giải thích được cho NLĐ và DN hiểu rõ về các quy định của pháp luật để có hành xử thích hợp và sớm đạt được sự đồng thuận trong việc giải quyết tranh chấp" - bà Lan chia sẻ.
Bình luận (0)