Tổ chức CĐ TP đã liên tục khởi xướng nhiều chương trình chăm lo thiết thực, có sức lan tỏa lớn, được NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) ủng hộ. Hiệu ứng của các chương trình như "Tấm vé nghĩa tình" chăm lo cho CN khó khăn, nhiều năm liền không về quê ăn Tết, khóa đại học vừa học vừa làm dành cho công nhân (CN) trực tiếp sản xuất... không chỉ góp phần san sẻ khó khăn mà còn tạo điều kiện cho CN nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước, để thu hút NLĐ vào tổ chức, CĐ các cấp phải liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phải làm cho NLĐ thấy được lợi ích của việc gia nhập CĐ. Hoạt động CĐ trong bối cảnh hiện nay diễn ra chủ yếu ở cơ sở, do vậy từng lời nói, hành động của thủ lĩnh CĐ được NSDLĐ và NLĐ chú tâm theo dõi. Ở doanh nghiệp (DN), nếu như trách nhiệm của NSDLĐ là bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ thì nhiệm vụ của người cán bộ CĐ cơ sở là phải nói lên được tiếng nói đại diện cho tập thể NLĐ. Muốn làm được điều này, thủ lĩnh CĐ ngoài bản lĩnh, kiến thức pháp luật còn phải có kỹ năng hoạt động. Những trăn trở, ưu tư của NLĐ về các vấn đề của DN, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, phải do thủ lĩnh CĐ tiếp thu và giải quyết trên cơ sở hài hòa quyền lợi các bên liên quan.
Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công tyTNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM) và anh em công nhân
Ở các DN ngoài quốc doanh, xung đột quyền lợi giữa NLĐ và NSDLĐ xảy ra rất thường xuyên, do vậy nhiệm vụ của thủ lĩnh CĐ là hết sức nặng nề. Để hóa giải mâu thuẫn này, ngoài dựa vào các chế định luật pháp thì đòi hỏi cán bộ CĐ phải có bản lĩnh, kỹ năng. Từ kinh nghiệm hoạt động tại cơ sở, theo tôi, lựa chọn thủ lĩnh CĐ tại cơ sở có tinh thần dấn thân thôi thì chưa đủ, bởi đòi hỏi của NSDLĐ và NLĐ đối với người đại diện cho tập thể lao động ngày càng cao. Do vậy, trong nhiệm kỳ tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam và CĐ TP HCM phải xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ CĐ một cách căn cơ ở tất cả các cấp phù hợp với từng loại hình DN. Ngoài việc bố trí cán bộ CĐ chuyên trách ở các DN có đông lao động, tổ chức CĐ TP phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cần thiết cho đội ngũ cán bộ CĐ, trong đó chú trọng kỹ năng thương thảo, giải quyết tranh chấp lao động, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nếu người thủ lĩnh được lựa chọn có tâm huyết với tổ chức và NLĐ, lại được đào tạo bài bản, chắc chắn sẽ có thêm sự tự tin trong việc thực hiện chức năng đại diện.
Cán bộ CĐ cơ sở ở khu vực ngoài quốc doanh cũng là người làm công ăn lương và không phải ai cũng đủ bản lĩnh để thực hiện vai trò đại diện nhằm hóa giải những mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Do vậy, họ rất cần sự hỗ trợ kịp thời của CĐ cấp trên thông qua hoạt động tương tác, chẳng hạn như phối hợp kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách với NLĐ và giám sát thực hiện Luật CĐ của NSDLĐ. Bên cạnh đó, tổ chức CĐ TP cần xây dựng nhân lực nòng cốt của giai cấp CN trong DN, ưu tiên lựa chọn những người có tâm huyết với phong trào, giỏi nghiệp vụ lẫn chuyên môn để làm thủ lĩnh CĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP cần nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, chính phủ xây dựng và hoàn thiện chính sách chăm lo cho đội ngũ cán bộ CĐ, đặc biệt là cán bộ CĐ tại các DN nhằm giúp họ an tâm làm việc, cống hiến trí tuệ và sức lực cho tổ chức CĐ và NLĐ.
Bình luận (0)