Bữa ăn giữa ca có chất lượng sẽ giúp người lao động (NLĐ) tái tạo sức lao động và nâng cao năng suất làm việc. Vì thế, ngày 25-2-2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 7C trong đó lưu ý các Công đoàn (CĐ) cơ sở trong khu vực doanh nghiệp (DN) và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở (nơi chưa thành lập CĐ) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của NLĐ với mức thấp nhất là 15.000 đồng/suất, đồng thời khuyến khích các DN nâng mức bữa ăn giữa ca cao hơn. Qua 3 năm triển khai, có 2.281 CĐ cơ sở đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của 587.239 NLĐ từ 15.000 đồng trở lên.
Tái tạo sức lao động
Khung cảnh thường thấy vào các buổi trưa tại TP HCM là nhân viên văn phòng túa ra khắp nơi tìm chỗ ăn. Có người chọn cơm văn phòng sạch sẽ nhưng cũng có người ăn qua loa ở các hàng, gánh lề đường để kịp trở lại làm việc buổi chiều.
Hoàn tất công việc buổi sáng thì cũng đã hơn 11 giờ 30 phút, chị Cao Thị Mỹ Hà, nhân viên Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam (quận 1, TP HCM), di chuyển bằng thang máy đến tầng cao nhất của tòa nhà để ăn trưa. Cũng như nhiều nhân viên khác của công ty, hằng ngày chị được thưởng thức bữa ăn nóng sốt, bảo đảm dinh dưỡng. Bữa ăn giữa ca thường có 2 món mặn, 1 món xào, rau luộc, canh và tráng miệng với giá 40.000 đồng/suất. Vào các ngày thứ sáu, thứ bảy hằng tuần, thực đơn dành cho nhân viên là món như: bún mắm, bún chả cá, cơm tấm thịt nướng, bún xào... cộng thêm chè hoặc bánh flan, rau câu. Bà Trần Thị Thanh Son, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết: "Ban giám đốc và CĐ cơ sở thường xuyên giám sát, lấy ý kiến của NLĐ về chất lượng bữa ăn cũng như thực đơn. Được ăn ngay trong tòa nhà với chất lượng bữa ăn bảo đảm nên NLĐ rất hài lòng. Quan trọng hơn là NLĐ có thêm thời gian nghỉ ngơi, lấy sức cho buổi làm việc tiếp theo thay vì phải đi ra ngoài dùng bữa".
Bữa ăn giữa ca của Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam được người lao động đánh giá cao Ảnh: HỒNG ĐÀO
Gặp chúng tôi mới đây, ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi Aventis (quận 4, TP HCM), cho biết từ đề xuất của CĐ cơ sở, ban giám đốc đã đồng ý nâng suất ăn giữa ca cho CN từ 28.000 đồng lên 32.000 đồng/suất. Hôm chúng tôi ghé thăm, bữa ăn giữa ca công ty gồm có gà chiên nước mắm, cá bống kho, rau thập cẩm luộc, canh rau và chè tráng miệng. Bàn ghế, dụng cụ nhà bếp, khay đựng thức ăn của công ty đều làm bằng inox sáng bóng. CN ăn chay có món phở chay và 2 bịch sữa tươi. Những CN làm ca 3 được công ty hỗ trợ 32.000 đồng tiền ăn/ngày và đường sữa. Anh Dương Văn Huệ, CN Công ty Sanofi Aventis, nhận xét: "Giá bữa ăn giữa ca 32.000 đồng/suất thuộc tốp khá trong các DN sản xuất hiện nay. Không chỉ được ăn ngon, bữa ăn còn có tráng miệng như trái cây, rau câu, chè... Thực phẩm được chọn lựa kỹ, nấu nướng theo quy trình nghiêm ngặt nên bữa ăn rất an toàn, sạch sẽ, đầy đủ dinh dưỡng".
Thỏa ước tốt, đôi bên cùng có lợi
Một bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tốt được ký kết không chỉ mang đến lợi ích cho đoàn viên, NLĐ mà còn giúp DN ngăn ngừa tranh chấp từ gốc. Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2013-2018, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Chương trình số 1468/CTr-TLĐ về "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT". Qua 5 năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao đời sống NLĐ, nhất là khu vực nhà nước.
Chỉ tính riêng tại TP HCM, tính đến tháng 5-2018, LĐLĐ TP đã hướng dẫn cho 24 CĐ cấp trên cơ sở hỗ trợ 758 CĐ cơ sở chủ động đề xuất những nội dung ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động về nhiều điều khoản có lợi. Tổng số DN có ký TƯLĐTT là 8.325/17.207 DN, đạt tỉ lệ 48,38%. Trong đó, có nội dung về bữa ăn ca, bảo đảm chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng với mức thấp nhất 15.000 đồng/suất ăn. Là một trong những đơn vị tạo được sự "khác biệt" trong hoạt động CĐ, CĐ Công ty CP Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVS-LĐ) TP HCM đã thương lượng và ký kết thành công TƯLĐTT với nhiều phúc lợi dành cho đoàn viên. Cụ thể, hằng năm, DN thưởng cho NLĐ 10% doanh thu của từng cá nhân, nếu NLĐ đó là đoàn viên CĐ sẽ được thưởng thêm 1%. Mức thưởng năm tại công ty thấp nhất là 20 triệu đồng/người, cao nhất là 300 triệu đồng/người nên khoản 1% thưởng thêm vô cùng ý nghĩa với đoàn viên, NLĐ. Không dừng lại ở đó, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được thực hiện như NLĐ là đoàn viên sẽ được miễn 100% chi phí nghỉ mát (6-8 triệu đồng/người/năm) và hỗ trợ 50% chi phí cho người thân đi cùng hay chính sách đài thọ 100% chi phí đào tạo khi NLĐ là đoàn viên có nhu cầu học tập để nâng cao trình độ.
Công ty CP Sơn Á Đông cũng là một đơn vị có thỏa ước tốt tại TP HCM. Tại đây, CĐ cơ sở luôn tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, phúc lợi cho NLĐ. Nhờ vậy, nhiều chính sách được cải thiện, giúp đời sống CN nâng lên rõ rệt. Theo đó, mỗi năm, mức lương của NLĐ sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 20%. NLĐ cũng được tham gia bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ. DN cũng chăm lo chu đáo vào các dịp lễ, Tết như 30-4, 2-9, Giỗ Tổ Hùng Vương..., NLĐ được thưởng 1 triệu đồng; chế độ tham quan, du lịch cho NLĐ hằng năm là 4 triệu đồng/người... Tất cả các khoản chăm lo ấy đều được DN và CĐ thương lượng đưa vào TƯLĐTT để CN an tâm làm việc. "Thỏa ước là văn bản luật thu nhỏ tại DN, nếu CĐ làm tốt trong việc thương lượng thì sẽ ngăn ngừa nguy cơ tranh chấp từ gốc và giúp đời sống NLĐ đi lên" - anh Phan Hoàng Bảo, chủ tịch CĐ công ty, chia sẻ.
27.866 thỏa ước được ký kết
Đến nay, các cấp CĐ đã ký kết được 27.866 bản TƯLĐTT, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XI đề ra. Trong đó, có 10,72% TƯLĐTT đạt loại A, 16,7% đạt loại B, 28,3% đạt loại C. Ngoài ra, qua thí điểm thương lượng, ký kết TƯLĐTT ở DN chưa thành lập CĐ, TƯLĐTT ở một số ngành, nhóm DN, có 3 TƯLĐTT ngành, 3 TƯLĐTT nhóm DN được ký kết. Đề án xây dựng Thư viện TƯLĐTT điện tử đạt được kết quả bước đầu.
NGUỒN: TỔNG LĐLĐ VIỆT NAM
Bình luận (0)