Nói thật là thoạt đầu tôi cũng không định nói những chuyện này thế nhưng có cái gì đó cứ bức bối trong lòng. Tôi nói không phải vì ghét bỏ hay muốn bới móc mà là muốn phản ánh một thực tế công tác giáo dục pháp luật hiện nay trong công nhân. Nó rất hình thức, tốn kém tiền bạc, công sức mà chẳng có tác dụng gì!
Cách đây một tuần, có mấy anh chị em đến văn phòng luật sư mà tôi đang cộng tác để hỏi về chế độ thất nghiệp và thai sản. Sau khi hướng dẫn cặn kẽ, tôi hỏi anh em: "Những vấn đề đơn giản như vậy mà sao phải đi hỏi văn phòng luật sư cho mất thời gian, công sức? Cái này anh chị em có thể tự tìm hiểu, trên báo chí, trên mạng đăng đầy ra đó".
Công nhân ở quận Gò Vấp, TP HCM được luật sư tư vấn pháp luật
Câu trả lời chung là "đụng chuyện thì hỏi chứ đọc qua rồi cũng quên". Tôi lại hỏi: "Thế công ty có mua báo cho công nhân xem không? Có tổ chức tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho công nhân không?".
Mọi người nhìn nhau rồi một chị ngập ngừng: "Công ty cũng có mua báo nhưng tụi em không có thời gian để đọc. Nếu có đọc thì chỉ đọc mấy mục tình cảm tâm lý xã hội hoặc vụ án chứ các quy định của pháp luật thì chán phèo, có đọc cũng không hiểu... Còn tập huấn thì cũng có nhưng chủ yếu là về an toàn lao động. Công ty nói chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi thiết thân của mỗi người nên phải tự tìm hiểu, công ty không có trách nhiệm trong chuyện này".
Câu trả lời của chị công nhân khiến tôi nhớ lại quãng thời gian còn làm trưởng phòng nhân sự một công ty có hơn 3.000 công nhân tại một khu công nghiệp ở TP HCM. Khoảng 1 tuần lễ sau khi tôi nhậm chức thì cô tổ trưởng Công đoàn của phòng gọi người mua ve chai vào để thanh lý báo cũ.
Khi mở cửa kho, thấy nhiều tờ báo còn mới tinh, tôi giở ra coi thì phát hiện có cả những tờ báo mới phát hành ngay trong ngày. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Báo hôm nay sao lại bán? Sao không để anh em đọc?". Cô nhân viên trả lời: "Dạ, từ trước đến giờ vẫn vậy. Báo mua về ngoài các sếp thì không ai được đọc". "Lạ vậy? Thế mua làm gì cho tốn tiền?"- tôi càng ngạc nhiên hơn. "Thì để báo cáo là có chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho nhân viên".
Trước sự ngạc nhiên của tôi, cô nhân viên kể lại đầu đuôi, ngọn ngành. Cô cho biết có một tờ báo của thành phố chuyên viết về vấn đề lao động mà giám đốc rất thích xem. Ông thích đến nỗi yêu cầu Công đoàn với phòng tài chính bàn bạc để trích kinh phí mua báo về cho công nhân xem để mở mang kiến thức.
Hồi đó mỗi phòng, ban đều có mấy tờ báo; mỗi xưởng cũng vậy. Buổi trưa hoặc nghỉ giải lao tổ trưởng phải đọc cho công nhân trong bộ phận mình nghe về các quy định của pháp luật.
Được một thời gian thì giám đốc đổi đi chỗ khác, người mới về thay. Sau đó xảy ra kiện tụng về việc công ty thay đổi chính sách trả lương mà không thông báo, không bàn bạc với Công đoàn. Giám đốc cũng tự ý đuổi người mà không tuân thủ quy trình xử lý dẫn đến tranh chấp kéo dài.
Rất nhiều vụ ngừng việc tập thể không đúng trình tự vì công nhân không hiểu luật
Khi tìm hiểu, biết công nhân nhờ đọc báo mà hiểu rõ các quy định nên giám đốc mới ra lệnh không được cho công nhân đọc báo nữa. Thế nhưng ngay sau đó lại xảy ra chuyện lãnh đạo đến thăm công ty. Và thế là việc đặt mua báo vẫn phải tiến hành để có thành tích khoe với lãnh đạo. Tuy nhiên, báo mua về không phát xuống xưởng cho công nhân nữa mà để ở phòng nhân sự, mỗi quý một lần đem cân ve chai!
Biết chuyện, tôi có đề nghị thay đổi nhưng giám đốc nhất quyết không chịu. Ông cho rằng để công nhân biết càng nhiều, càng rách việc! Còn nếu như ai có nhu cầu tìm hiểu "để kiện tụng" thì cứ đi mà tự tìm hiểu chứ công ty không dại gì vẽ đường cho hươu.
Tôi tưởng chuyện đó chỉ có duy nhất ở công ty của tôi, không ngờ khi hỏi một số bạn bè thì biết nhiều nơi cũng có tâm lý ngán sợ công nhân hiểu luật sẽ đòi hỏi, thậm chí chống đối! Và tâm lý ấy vẫn còn tồn tại cho đến hiện nay.
Mấy hôm trước tôi gọi điện cho cô nhân viên cũ hỏi về việc đọc báo của công nhân thì nhận được câu trả lời: "Từ hồi anh đi khỏi công ty thì chế độ báo của anh em bị cắt luôn. Giờ không còn nguồn phế liệu để bán gây quỹ cho phòng nữa, cũng buồn".
Cô nhân viên buồn vì không còn báo cũ để bán ve chai, còn tôi thì buồn vì nếu đất nước mình vẫn còn những người lãnh đạo sợ công nhân tiến bộ, hiểu biết thì bao giờ chúng ta mới khá nổi?
Bình luận (0)