Tại dự thảo này, mức đóng hằng tháng được quy định tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Cũng tại dự thảo Luật BHYT sửa đổi này, tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm. Mức đóng BHYT của người thứ nhất tối đa bằng 6% lương cơ sở và từ người thứ hai trở đi đóng bằng 80% mức đóng của người thứ nhất. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, mức đóng BHYT người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết đến cuối năm 2019, tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt gần 90% dân số, chi phí từ tiền túi người dân phải bỏ ra khi tham gia BHYT đã giảm còn 37% (năm 2018); chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện, người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế cao, kỹ thuật hiện đại nhiều loại thuốc mới nhanh chóng được BHYT chi trả… Hiện còn khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT chủ yếu là người lao động ở các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ năm 2 trở đi, người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Trong 3 năm (2016, 2017, 2018), mặc dù quỹ BHYT bị bội chi nhưng cân đối thu chi của quỹ vẫn có kết dư do số dư từ những năm trước chuyển sang. Đến hết năm 2018, quỹ dự phòng BHYT còn khoảng trên 37.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)