Trao đổi với phóng viên hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới được đưa ra lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, trong đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra quan điểm trên.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam
Thưa ông, cơ quan soạn thảo cho rằng, mục đích quan trọng nhất của đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam là để cân bằng Quỹ BHXH. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ông Lê Đình Quảng: Không phải đến bây giờ thì việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu mới được các cơ quan chức năng bàn bạc, thảo luận. Vấn đề này đã được đặt ra trong Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật BHXH năm 2014 và nhiều chính sách khác liên quan. Trong đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH có nêu lý do chính của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là nhằm bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn bởi theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), từ năm 2023, Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ thu không đủ bù chi, phải trích từ phần quỹ kết dư để chi trả và từ năm 2034, Quỹ kết dư cũng hết, dẫn đến Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp.
Tăng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian tham gia BHXH của người lao động (NLĐ) chỉ là một trong nhiều giải pháp bảo đảm cân đối BHXH. Nếu nói tăng tuổi hưu để cân bằng Quỹ BHXH thì không hợp lý vì thực chất vấn đề hiệu quả nằm ở cách vận hành, sử dụng quỹ chứ không hẳn là ở thời gian lao động dài hay ngắn. Hơn nữa, Luật BHXH năm 2014 cũng đã nâng các điều kiện (kéo dài số năm) để NLĐ được hưởng lương tối đa hay mở rộng diện bao phủ BHXH nhằm mục đích ổn định quỹ rồi.
Cơ quan soạn thảo cần thận trọng xem xét nhiều yếu tố từ kinh tế - xã hội, việc làm, điều kiện sức khỏe của người lao động.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, tuổi thọ trung bình của Việt Nam tăng đáng kể và nhiều nước đã nâng tuổi hưu lên 65-67 tuổi, chúng ta cũng nên theo xu hướng này?
- Trong điều kiện hiện nay, có thể khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Lý do tuổi thọ cao để nâng tuổi nghỉ hưu cũng có sức thuyết phục. Bởi vì, đặc thù của Việt Nam khác các nước châu Âu, nhất là dịch vụ về y tế và đời sống chưa tốt dẫn đến sức khỏe chưa tốt.
Điều kiện lao động của NLĐ còn nhiều hạn chế, nhiều yếu tố độc hại. Cho nên, việc tăng tuổi hưu có thể tính tới, nhưng phải áp dụng có độ trễ nhất định. Việc nâng tuổi hưu có thể thực hiện với những người làm ở khu vực hành chính sự nghiệp trước, sau đó nghiên cứu lộ trình cho khối lao động trực tiếp (đối tượng điều chỉnh chính của Bộ luật Lao động).
Ở góc độ NLĐ, theo ông, tuổi nghỉ hưu nên được tăng như thế nào, tăng ở mức độ bao nhiêu là hợp lý?
- Theo quy định, tuổi nghỉ hưu hiện tại đối với nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi. Trong một số ngành nghề đặc thù thì NLĐ nghỉ hưu sớm hơn. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu trung bình ở nước ta là 54 tuổi. NLĐ ở nước ta nghỉ hưu sớm so với nhiều nước trên thế giới và so với tuổi thọ trung bình.
Ở thời điểm hiện tại, tôi đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải hết sức thận trọng. Tôi không đồng tình với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt, không có sự phân biệt, phân loại đối với từng ngành nghề, lĩnh vực lao động. Đối với lao động trực tiếp, lao động trong các khu vực độc hại, lao động mang tính đặc thù, tuổi nghỉ hưu nên được giữ nguyên, thậm chí, với một số ngành nghề thì có thể giảm xuống. Nói chung, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với từng đối tượng, từ đó đề ra lộ trình tăng thích hợp.
Bình luận (0)