Thống kê tới ngày 31-12-2020, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là hơn 13.500 tỉ đồng, trong đó nợ BHXH bắt buộc là hơn 8.600 tỉ đồng, nợ BHTN là 335 tỉ đồng. Dự báo năm 2021, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) phải giải thể hoặc phá sản. Khả năng số tiền nợ, chậm đóng BHXH còn xu hướng gia tăng.
Liên quan tới tiền lương đóng BHXH, báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy nhiều DN vẫn chủ yếu xây dựng thang, bảng lương để đóng BHXH ở mức thấp nhất. Thống kê cho thấy đa số DN đăng ký đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) theo mức lương mà không có khoản bổ sung khác. Trong khi theo quy định, từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH gồm mức lương và thêm khoản bổ sung khác.
BHXH Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do pháp luật lao động hiện hành chưa quy định rõ khoản phụ cấp bổ sung nào phải tính đóng BHXH. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều DN cố tình lách luật để giảm bớt phần trách nhiệm đóng BHXH, BHYT và BHTN cho NLĐ.
Nhiều doanh nghiệp lách luật để né tránh trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: AN CHI
Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam kiến nghị sửa đổi quy định về tiền lương đóng BHXH hạn chế đến mức thấp nhất khả năng trốn tránh các khoản phải đóng của DN, theo hướng quy định tiền lương làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của NLĐ. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về tiền lương, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm về tiền lương và BHXH.
Bình luận (0)