Bộ LĐ-TB-XH cho biết thực hiện Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của BLLĐ về tiền lương (chương II quy định HĐTLQG).
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 3-7-2013 thành lập HĐTLQG (gồm 15 thành viên). HĐTLQG thực hiện chức năng tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ công bố mức lương tối thiểu (LTT) vùng hằng năm. Sau 8 năm thành lập và hoạt động, đến nay HĐTLQG đã 8 lần khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền LTT vùng. Chính phủ cơ bản thống nhất với phương án HĐTLQG đã khuyến nghị (áp dụng cho năm 2014 tăng bình quân 15,2%, năm 2015 tăng bình quân 14,2%, năm 2016 tăng bình quân 12,4%, năm 2017 tăng bình quân 7,3%, năm 2018 tăng bình quân 6,5%, năm 2019 tăng bình quân 5,3%, năm 2020 tăng bình quân 5,5%). Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, HĐTLQG cũng có những hạn chế như: Cơ cấu thành viên chưa có sự tham gia của các chuyên gia độc lập; chức năng của HĐTLQG mới tập trung khuyến nghị về LTT vùng, chưa thể hiện đầy đủ theo tên gọi và mục đích hình thành HĐTLQG.
Tại dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định về HĐTLQG với mô hình cơ bản như hiện nay và bổ sung, điều chỉnh một số nội dung để triển khai những vấn đề mới theo quy định của BLLĐ năm 2019, như mở rộng chức năng, nhiệm vụ của HĐTLQG, bổ sung thành viên là chuyên gia độc lập, cơ chế bảo đảm hoạt động của HĐTLQG.
Theo đó, về nhiệm vụ, HĐTLQG sẽ thực hiện các nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích, đánh giá và xây dựng các báo cáo nghiên cứu về các yếu tố xác định mức LTT theo quy định của BLLĐ; xây dựng phương án mức LTT theo tháng, mức LTT theo giờ và việc phân vùng địa bàn áp dụng; tổ chức thương lượng trên cơ sở đó khuyến nghị với Chính phủ việc điều chỉnh mức LTT theo tháng và theo giờ hằng năm, từng thời kỳ; tư vấn, khuyến nghị về chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động theo quy định của BLLĐ. Dự thảo cũng đề xuất bổ sung tối đa 3 thành viên là chuyên gia độc lập vào HĐTLQG.
Các chuyên gia độc lập này là các nhà khoa học có uy tín, đang công tác nghiên cứu, giảng dạy các nội dung thuộc lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội tại viện nghiên cứu, trường đại học (không bao gồm viện nghiên cứu, trường đại học thuộc hệ thống tổ chức của Tổng LĐLĐ Việt Nam và tổ chức của người sử dụng lao động).
Bình luận (0)