Để ngăn chặn tình trạng này và giúp chị em hiểu được cái lợi của việc nghỉ hưu đúng tuổi, nhiều quan chức cấp cao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam có khuyên người lao động (NLĐ) đừng “tham bát, bỏ mâm”, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái lợi lâu dài. Những người đó nói rằng giả sử chị em đi làm năm 18 tuổi thì đến năm 55 tuổi đã đóng BHXH đến… 37 năm; còn nếu vì lý do gì đó mà đến năm 25 tuổi mới đi làm thì đến khi 55 tuổi nghỉ hưu cũng đủ 30 năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu cao nhất là 75%. Nói thiệt, đọc xong diễn giải của mấy ổng, tôi muốn sặc cơm vì nó quá viển vông, phi thực tế.
Có một điều ai cũng biết là những người hưu trí hiện nay phần lớn là cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ trong khu vực nhà nước, lực lượng vũ trang trước đây; đến năm 1995 (khi Bộ Luật Lao động 1994 có hiệu lực thi hành) thì được phiên ngang thời gian làm việc là thời gian đóng BHXH. Vì vậy, họ đủ, thậm chí dư thời gian, để được hưởng lương hưu. Còn NLĐ trong khu vực ngoài nhà nước thì có được mấy người đủ thời gian để hưởng mức lương hưu tối đa?
Cần biết là khi đất nước mở cửa, cơ cấu kinh tế thay đổi, kinh tế ngoài nhà nước (tính cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) phát triển mạnh mẽ và chiếm tỉ trọng lớn trong toàn bộ nền kinh tế thì lực lượng lao động ở khu vực này cũng chiếm số lượng áp đảo. Song có một thực tế là việc đóng BHXH cho NLĐ trong khu vực ngoài nhà nước rất phập phù, doanh nghiệp tìm mọi cách né tránh, trốn đóng (số liệu mới nhất của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội là chỉ 25% doanh nghiệp đang hoạt động có đóng BHXH cho NLĐ). Chưa kể trước đây còn có quy định doanh nghiệp từ 10 lao động trở lên mới thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc…
Việc đó cùng với thu nhập thấp, bấp bênh, không đủ sống khiến nhiều NLĐ “thỏa thuận ngầm” với doanh nghiệp không đóng BHXH; nhiều NLĐ chỉ làm việc theo hợp đồng lao động một thời gian rồi nghỉ việc, gia nhập khu vực kinh tế phi kết cấu và lao động nữ ngoài 40 tuổi đã bị doanh nghiệp “thải loại” làm cho thời gian NLĐ tham gia BHXH không đủ nhiều để hưởng lương hưu ở mức cao. Thế mà từ năm 2018, lao động nữ hết tuổi lao động, nếu có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì kể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi chỉ được cộng thêm 2% mỗi năm thay vì 3% như hiện nay. Không nói, ai cũng thấy cái bất lợi rành rành trước mắt.
Cho nên nói gì thì nói, tôi vẫn muốn Quốc hội xem xét lại quy định cộng phần trăm lương hưu kể từ năm đóng BHXH thứ 16 đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018. Nên giữ nguyên 3% như hiện nay bởi còn lâu Quỹ BHXH mới vỡ…
Bình luận (0)