“Doanh nghiệp (DN) nào cũng có khi thuận lợi hay khó khăn nhưng lúc gặp khó khăn, rất hiếm DN ưu tiên chọn quyền lợi của người lao động (NLĐ) thay vì lợi nhuận. Trước đây, trên địa bàn quận, có DN ban đầu chăm lo rất tốt cho NLĐ. Thậm chí, DN này còn cho NLĐ đi du lịch nước ngoài nhưng khi thua lỗ thì lại giảm lương, cắt thưởng, phụ cấp mà không thương lượng, gây thiệt thòi cho NLĐ, dẫn đến tranh chấp. Những lúc ấy, nếu DN có Công đoàn (CĐ) thì CĐ chính là cầu nối tốt nhất để đàm phán với chủ DN, bảo vệ NLĐ và vận động họ hỗ trợ DN vượt khó”. Ông Phạm Văn Hoa - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, TP HCM - giải thích như vậy trước câu hỏi xoáy của một chủ DN “CĐ có vai trò gì khi DN đã chăm lo đầy đủ cho NLĐ?” khi đến vận động thành lập CĐ.
Trả lời câu hỏi “vào Công đoàn được lợi gì?”
Những câu hỏi “cắc cớ” như vậy cũng chính là lý do mà nhiều chủ DN đưa ra để lảng tránh việc thành lập CĐ. Về phía NLĐ, điều mà họ quan tâm nhất là vào CĐ sẽ được lợi gì, kinh phí và đoàn phí được sử dụng như thế nào? “Các cán bộ phụ trách phải trả lời thật rõ ràng, cụ thể để NLĐ hiểu được số tiền mà họ đóng sẽ được sử dụng để chăm lo cho chính họ và đồng nghiệp khi gặp khó khăn. Trên hết, những việc làm cụ thể của CĐ quận là minh chứng rõ nét nhất” - ông Hoa khẳng định.
Không nói suông, xuyên suốt các hoạt động của mình, CĐ quận Bình Thạnh kiên trì mục tiêu vì CNVC-LĐ và hướng về cơ sở. Điển hình như các sân chơi lưu động tại DN, chương trình bán hàng giảm giá, hỗ trợ khó khăn, đón xuân quê nhà… đã để lại dấu ấn trong lòng CNVC-LĐ. Việc chăm lo của CĐ quận còn vươn đến các DN chưa có CĐ. Mỗi đợt chăm lo, CĐ quận liên lạc với từng cơ sở, mời họ đăng ký danh sách công nhân (CN) khó khăn.
“Nhờ đó, nhiều chủ DN và NLĐ thay đổi nhận thức về CĐ, tự nguyện tìm đến để được hướng dẫn thành lập CĐ. Trong quý I/2016, LĐLĐ quận đã phát triển 929 đoàn viên và thành lập 39 CĐ cơ sở” - ông Cao Hồng Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, cho biết.
Chứng minh sự hiện diện của Công đoàn
Chủ động chăm lo là cách mà CĐ huyện Nhà Bè, TP HCM áp dụng để NLĐ nhận biết sự hiện diện của CĐ. LĐLĐ huyện vốn ít đoàn viên nhưng số lượng CN làm việc tại KCN Hiệp Phước và KCN Long Hậu (tỉnh Long An) cư trú trên địa bàn lại rất đông. Dù không quản lý nhưng LĐLĐ huyện vẫn tập trung chăm lo cho CN ở trọ, như lập tổ CN tự quản, vận động chủ nhà trọ hỗ trợ CN, vận động kinh phí để chăm lo vào các dịp lễ, Tết; đặt các điểm truy cập internet, sách báo tại các khu trọ đông CN... LĐLĐ huyện còn định kỳ đến nhà trọ để tư vấn luật cho CN.
Nhờ sự tận tâm ấy mà cán bộ CĐ huyện Nhà Bè luôn được CN yêu mến. Từ đó, nhiều CN tự nguyện tham gia nhóm CN nòng cốt, hỗ trợ CĐ trong công tác vận động, tuyên truyền. Ông Trịnh Thiện Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện, cho biết: “Dù họ không thuộc CĐ huyện quản lý nhưng đều là đoàn viên CĐ, ngày đêm đóng góp sức mình cho DN, cho đất nước. Vì vậy, khi chăm lo, chúng tôi không phân biệt CN làm việc ở đâu, đoàn viên do ai quản lý”.
LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM cũng là một trong những CĐ cấp trên làm tốt công tác phát triển đoàn viên. Từ đầu năm đến nay, LĐLĐ quận đã phát triển hơn 2.700 đoàn viên, mục tiêu năm 2016 sẽ kết nạp 9.500 người.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, tiết lộ kinh nghiệm thu hút CN: “Muốn NLĐ đến CĐ thì trước hết CĐ phải chủ động chăm lo cho họ”. Với quan điểm ấy, LĐLĐ quận luôn tập trung cho các hoạt động chăm lo, hỗ trợ CN khó khăn như tặng quà, tổ chức khám sức khỏe, bán hàng bình ổn giá... Thông qua hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động quận, LĐLĐ còn thường xuyên tổ chức sân chơi, đến tận nhà trọ mời CN tham dự, tặng Báo Người Lao Động cho các khu nhà trọ có từ 100 CN trở lên… Những việc làm ấy đã đưa CĐ đến gần NLĐ và khiến họ tin tưởng vào CĐ hơn.
Ông KIỀU NGỌC VŨ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Nâng chất hoạt động để thu hút đoàn viên
Năm 2016 được chọn là “Năm phát triển đoàn viên” gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ. Mục tiêu của LĐLĐ TP HCM là phát triển 90.000 đoàn viên. LĐLĐ TP đã chỉ đạo CĐ cấp trên phối hợp với địa phương rà soát số DN trên địa bàn; đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn NLĐ và chủ DN các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của CĐ. Đối với CĐ cơ sở, phải nắm chắc số lao động trong DN, nâng chất hoạt động để thu hút NLĐ gia nhập CĐ.
Bình luận (0)