16 giờ, khu chợ tạm trước cổng Công ty TNHH Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM) kéo dài qua cổng KCN Tân Tạo hoạt động nhộn nhịp cho đến tận 20 giờ - 21 giờ. Gọi là chợ nhưng đây là các khu đất trống hoặc lề đường, người bán tự tìm chỗ ngồi mà không ai quy hoạch, thu thuế hay kiểm tra chất lượng thực phẩm.
Tiện đâu mua đó
Tuy là tự phát nhưng các khu chợ công nhân (CN) không thiếu thứ gì, từ quần áo, đồ gia dụng, giày dép, mỹ phẩm… đến cá thịt, rau cải. Các mặt hàng ở đây đều có giá rẻ hơn chợ, siêu thị rất nhiều nhưng chất lượng thì không biết ra sao.
Vừa tan ca, chị Hoàng Thị Ninh, CN Công ty TNHH Paiho Việt Nam (KCN Tân Tạo), ghé ngay vào quầy thực phẩm ở cổng KCN để mua thức ăn tối cho cả nhà. Sau khi xem qua một lượt các thứ, Ninh quyết định mua một bó cải xanh giá 5.000 đồng và 2 con cá hường 15.000 đồng. Chị khoe: "Vậy là xong bữa tối cho 2 vợ chồng. Từ ngày gửi đứa con gái 3 tuổi về cho ông bà ngoại ở quê, bữa cơm gia đình tôi cũng đơn giản". Tôi thắc mắc: "Chị có thấy 2 con cá chết rồi không?", chị cười: "Thấy chứ. Nhưng với 15.000 đồng thì biết mua gì bây giờ? Ăn đậu hũ, trứng hoài cũng ngán, với số tiền đó mua thịt thì chẳng được mấy. Vậy chứ ướp gia vị, sả ớt vào chiên là thơm ngon ngay".
Công nhân có thói quen mua sắm ở các chợ tự phát vì tiện lợi, giá rẻ
Cũng như chị Ninh, nhiều người chọn các khu chợ tạm, chợ tự phát ven đường vì tiện lợi và quan trọng hơn là giá rẻ, phù hợp với túi tiền CN. Chị Thủy, tiểu thương bán cá trước cổng KCN Tân Tạo, cho biết buổi sáng, chị bán ở chợ Bà Hom, buổi chiều còn bao nhiêu thì mang bán trước cổng KCN cho CN. "Cá sống thì bán rẻ 1/4 so với chợ buổi sáng, còn cá chết chỉ bán nửa giá. Chợ của CN nên tôi chỉ bán giá vậy thôi chứ bán mắc không ai mua" - Thủy kể. Thuận mua vừa bán và biết trước những mặt hàng đã mua kém chất lượng nhưng CN không có lựa chọn nào khác khi đồng lương eo hẹp.
Mở siêu thị, cửa hàng tiện ích
Để đưa thực phẩm an toàn và hàng hóa bảo đảm chất lượng đến với CN, năm 2016, Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP HCM phối hợp cùng Công ty TNHH Sài Gòn Wmart thành lập chuỗi siêu thị tại các KCX-KCN TP. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc siêu thị CĐ TP HCM, cho biết: "Đến nay đã có 3 điểm tiện ích CĐ tại KCX Tân Thuận, KCN Tân Tạo và Khu Công nghệ cao với 200 mặt hàng, phục vụ 1.000 CN mỗi ngày. Dự kiến trong giai đoạn 2, siêu thị CĐ sẽ mở tại 8 KCX-KCN, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của 30.000 lượt đoàn viên mỗi ngày".
Siêu thị CĐ TP HCM vừa triển khai dịch vụ mở thẻ tiện ích cho đoàn viên. Chương trình do siêu thị CĐ TP kết hợp với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thực hiện. Theo đó, đoàn viên khi thanh toán bằng thẻ tiện ích sẽ được giảm 5%-10% tất cả mặt hàng. Thẻ tiện ích được tạm ứng trước 2 triệu đồng/tháng để mua tất cả mặt hàng tại siêu thị CĐ. Đoàn viên có thể mua hàng trước và trả tiền sau mỗi kỳ lương. Ngoài việc ứng tiền trước để mua hàng giảm giá 5%-10%, thẻ tiện ích CĐ còn tặng quà sinh nhật, quà Tết cho CN tham gia mua sắm tại siêu thị.
Cung cấp hàng hóa chất lượng, giá rẻ cho CN tại các khu nhà trọ, nhà lưu trú cũng được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên CN TP HCM quan tâm. Trung tâm đã phối hợp cùng siêu thị Co.opmart, siêu thị Satra tổ chức các chuyến bán hàng lưu động cho CN. Mỗi chuyến bán hàng đều có trên 70 mặt hàng may mặc, thực phẩm, sản phẩm gia dụng… giá "mềm" hơn so với giá thị trường, đặc biệt có nhiều mặt hàng giảm giá đến 50%.
Bà Nguyễn Thị Hoài Sơn, phó giám đốc trung tâm, cho biết: "Do hàng hóa bảo đảm chất lượng lại rẻ hơn thị trường nên CN ủng hộ rất đông. Không chỉ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, hiện trung tâm còn phối hợp với các đơn vị mở 3 cửa hàng tiện ích tại các khu nhà trọ, nhà lưu trú đông CN. Song song với chương trình bán hàng, trung tâm còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về dinh dưỡng, hướng dẫn lựa chọn thực phẩm cho CN".
Bình luận (0)