“Trước đây, khi nhắc đến Công ty Kollan (KCX Linh Trung I, quận Thủ Đức, TP HCM), mọi người nghĩ ngay đến một doanh nghiệp (DN) thường xuyên xảy ra tranh chấp. Khi được bố trí làm cán bộ Công đoàn (CĐ), bản thân tôi cũng chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, khi đã nhận nhiệm vụ, tôi xác định phải nỗ lực hết sức mình để củng cố quan hệ lao động tại DN” - bà Trần Thị Dung, Chủ tịch CĐ Công ty Kollan, đã chia sẻ như vậy tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án “Phát triển CĐ các KCX-KCN TP” do LĐLĐ TP tổ chức mới đây.
Khẳng định năng lực, uy tín
Hỗ trợ CĐ cơ sở thực hiện chức năng đại diện, góp phần bình ổn quan hệ lao động tại các DN, đặc biệt là DN xảy ra tranh chấp là mục tiêu của LĐLĐ TP khi triển khai đề án “Phát triển CĐ các KCX-KCN TP”. “Đưa cán bộ về cơ sở nhằm tăng cường công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân (CN), từ đó hỗ trợ cơ sở giải quyết căn cơ bức xúc của họ là ưu tiên hàng đầu của Ban Thường vụ LĐLĐ TP khi triển khai đề án” - ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, nhấn mạnh.
Thực tế, khi đề án triển khai, không phải DN nào cũng hiểu và ủng hộ chủ trương của LĐLĐ TP, một phần do tâm lý “sợ dòm ngó”. Như trường hợp của bà Trần Thị Dung khi được bố trí làm cán bộ CĐ chuyên trách chỉ đơn thuần là người giúp việc cho ban chấp hành (BCH) CĐ. Vượt qua những khó khăn ban đầu, bà Dung đã biết cách xây dựng niềm tin nơi DN và người lao động (NLĐ) bằng năng lực chuyên môn, nhất là tinh thần tận tụy. Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, bà Dung cho biết: “Ngay từ đầu năm, BCH CĐ xây dựng kế hoạch kèm dự toán kinh phí gửi cho DN. Sự chủ động ấy của CĐ sẽ giúp ban giám đốc hình dung rõ hơn hoạt động phong trào cả năm và từ đó có kế hoạch hỗ trợ”. Chưa dừng lại đó, việc chịu khó học tập kinh nghiệm hoạt động từ các đơn vị bạn để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại DN cũng giúp hoạt động CĐ dần khởi sắc. Bên cạnh đó, khả năng thương thuyết khéo léo của bà Dung cũng giúp Công ty Kollan hoàn thiện thỏa ước lao động tập thể với nhiều khoản có lợi cho NLĐ: lương cơ bản 3.350.000 đồng/tháng cộng 700.000 đồng phụ cấp, CN được tăng lương định kỳ 7%/2 năm; CN nữ đang mang thai hết hạn hợp đồng lao động nếu làm việc tốt đều được tái ký hợp đồng... Cách làm “mưa dầm thấm lâu” ấy đã giúp quan hệ giữa DN và CĐ, CĐ và tập thể NLĐ thêm gắn kết. Nhờ khẳng định năng lực chuyên môn nên bà Dung được tập thể NLĐ tín nhiệm bầu làm chủ tịch CĐ.
Cũng với sự tận tâm trong công việc, khi chuyển sang làm cán bộ CĐ chuyên trách, ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch CĐ Công ty Juki (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) từng bước khẳng định được uy tín với DN và tập thể NLĐ. Mạnh dạn hơn trong việc góp ý để DN thực hiện đúng chính sách pháp luật lao động là thành công của ông Đại. “Năm 2011, khi xảy ra hiện tượng mất cắp, ban giám đốc muốn xét cốp xe, gắn camera ngay tại phòng thay đồ để ngăn ngừa. Lường trước động thái này sẽ gây bức xúc trong CN, BCH CĐ đã chủ động góp ý với ban giám đốc và đề xuất một số giải pháp thay thế hợp lý hơn. Sự chủ động của CĐ đã góp phần hỗ trợ ban giám đốc điều hành, quản lý DN tốt hơn” - ông Đại chia sẻ.
Còn nhiều trở ngại
Mục tiêu của đề án là vận động các DN có trên 1.000 lao động tuyển dụng cán bộ làm công tác CĐ chuyên trách tại DN. Thế nhưng, hiện mới có 17/48 DN tại các KCX-KCN nhận cán bộ chuyên trách về làm việc. “CĐ cấp trên tuyển chọn và giới thiệu người nhưng nhiều DN không đồng ý mà muốn tuyển người làm tại chỗ. Nhiều DN đồng ý nhận cán bộ CĐ chuyên trách do LĐLĐ TP giới thiệu nhưng yêu cầu phải có trình độ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ. Thêm vào đó, chế độ đãi ngộ, lương bổng cán bộ CĐ chuyên trách chưa cao nên chưa thu hút được người tham gia” - ông Phạm Văn Hiền, Ủy viên Thường vụ CĐ KCX-KCN TP, lý giải.
Tìm sự đồng thuận với DN trong việc bố trí cán bộ chuyên trách tại cơ sở vẫn là bài toán khó của LĐLĐ TP. Thực tế, không phải nơi nào cán bộ CĐ cũng được DN tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, chẳng hạn bị hạn chế đi lại, tiếp xúc với CN, thậm chí dự họp BCH. “Không được tạo điều kiện để khẳng định năng lực chuyên môn, điều này dễ gây ức chế cho đội ngũ cán bộ CĐ” - bà Nguyễn Thị Luyến, cán bộ CĐ chuyên trách Công ty Yujin Vina (KCX Linh Trung I), cho biết.
Khó khăn khách quan khác là một số cán bộ CĐ chuyên trách trước khi tuyển dụng đều là CN đang làm việc tại DN, do DN giới thiệu, vì vậy trình độ văn hóa, kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động CĐ còn hạn chế. Ông Cao Tân Dũng, đại diện Công ty Nikkiso (KCX Tân Thuận), góp ý: “Bố trí cán bộ CĐ chuyên trách là điều nên làm song nên ưu tiên tuyển chọn, bố trí người đang làm việc tại công ty. Nắm vững tình hình DN, hiểu rõ các chính sách, văn hóa của DN, cán bộ CĐ sẽ thuận tiện hơn trong hoạt động”.
Nâng chất đội ngũ cán bộ Công đoàn
TP HCM là địa phương đầu tiên đưa cán bộ CĐ chuyên trách về cơ sở và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Chủ trương đi tắt đón đầu trong việc sử dụng cán bộ CĐ chuyên trách tại cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ cơ sở, đặc biệt là trong công tác tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Thời gian tới, LĐLĐ TP cần bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ, tập trung vào các nội dung thương lượng, đàm phán, ký kết thỏa ước lao động tập thể - ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Bình luận (0)