Chị Ba bắt đầu “kể tội” em. Đó là khi em sang nhà chú Tám chơi, thấy mấy đứa con chú không biết ăn xúc xích, em nhún vai: “Đồ nhà quê thiệt mà. Xúc xích ngon vậy mà không biết ăn”. Khi thím Tám mời cơm, em chẳng những không ăn mà còn nói với chị Ba: “Nghĩ sao mà rủ em ăn cơm vậy? Nhìn mấy cái chén đũa sứt đầu gãy gọng thấy gớm quá. Đúng là nhà quê”. Đến khi sang nhà dì Sáu, vừa cho heo ăn xong, nghe có khách, dì hớn hở chạy vào thì em bịt mũi: “Trời ơi, mùi gì mà hôi dữ vậy? Em muốn ói rồi. Đúng là quá sợ ở quê...”. Chị Ba nghe vậy thì mặt hầm hầm. “Chị nói với nó ở quê là vậy đó, nếu chịu được thì tiếp tục quen mày, còn không thì cút” - chị Ba bực bội.
Có lẽ lần đầu chị Ba gặp em, nghe em nói nên mới bị sốc vậy chứ anh thì quen rồi. Hồi mới gặp em, anh nói rõ anh là dân quê, nhà ba má chỉ đủ ăn chứ không giàu có gì. Em nói em cũng từ ruộng đồng ra thành phố nên từng trải qua những thứ ấy, anh đừng ngại. Thế mà có bao lâu đâu, em đã đổi thay?
Em hay chê anh “đồ nhà quê”, thoạt đầu anh thấy bình thường vì dù có là nhà quê thì em vẫn yêu anh. Nhưng rồi khi nghe em chê bai bạn bè, anh thấy lạ. Đôi lần góp ý thì em phản bác: “Tại họ không thích nghi nên em phải nói cho họ sửa đổi. Ai đời ở thành phố mà cứ suy nghĩ và hành động cù lần như vậy thì làm sao mà khá nổi?”. Khái niệm “cù lần” của em là không biết mặc đầm, váy ngắn; không biết mang giày cao gót, đánh phấn, thoa son... “Cù lần” là không dám đi ăn nhà hàng, thử những món đắt tiền, đi xe xịn và rất nhiều thứ khác nữa...
Anh định dẫn em về quê một chuyến để “cải tạo” suy nghĩ của em, không ngờ mọi việc càng tồi tệ hơn. Em nói “không chịu nổi cái tính nhà quê của cả dòng họ nhà anh”, còn anh thì không chịu nổi sự hợm hĩnh của một cô gái quê học đòi. Chúng mình giờ thành hai đường thẳng song song rồi. Đành vậy thôi...
Bình luận (0)