Báo cáo từ các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) trong cả nước cho thấy tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra trên phạm vi rộng. Mặc dù BHXH Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý Quỹ BHTN nhưng rất khó để ngăn chặn triệt để. Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có chế tài mạnh để xử lý hành vi này.
Khó kiểm soát người thất nghiệp
Thực tế phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy nguyên nhân khiến trục lợi BHTN ngày một gia tăng chính là việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hiện nay khá dễ dàng. Khi người lao động (NLĐ) có đủ các loại giấy tờ gồm: Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc, sổ BHXH đã chốt kỳ tham gia và CMND là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.
Theo bà Lưu Hoàng Thái Hiếu, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP Đối tác DNG Vietnam (quận Gò Vấp, TP HCM), luật quy định 3 tháng sau khi có quyết định nghỉ việc, NLĐ mới được đăng ký hưởng TCTN. Sau khi cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ đầy đủ thì phải mất thêm 20 ngày mới có kết quả. "Như vậy, NLĐ mất gần 4 tháng để nhận TCTN. Theo tôi, đây chính là kẽ hở bởi trong khi cơ quan chức năng đang rà soát, xem xét thì NLĐ đã tìm được việc làm mới. Họ phải đi làm để bảo đảm cuộc sống. Khi đi làm, nhận lương chỗ mới rồi mới được thông báo nhận TCTN thì theo logic thông thường, chẳng ai lên khai báo đâu mà vẫn ung dung nhận khoản tiền BHTN. Khi họ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm mới, cơ quan chức năng mới phát hiện họ "gian lận" thì đã muộn rồi" - bà Hiếu nói.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM hướng dẫn thủ tục cho người thất nghiệp Ảnh: GIANG NAM
Theo đại diện nhiều trung tâm DVVL, rất khó kiểm soát NLĐ đã có việc làm hay chưa trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi họ nộp đơn đề nghị hưởng TCTN nếu NLĐ không trung thực khai báo. Vì vậy, tình trạng NLĐ dù có việc làm nhưng vẫn nhận TCTN diễn ra khá phổ biến. Chỉ đến khi doanh nghiệp (DN) tham gia BHXH cho NLĐ thì các trung tâm DVVL mới phát hiện được và điều này khiến việc thu hồi tiền trợ cấp hết sức khó khăn. Theo đại diện Trung tâm DVVL TP HCM, hiện vẫn chưa có ứng dụng công nghệ nào liên thông giữa BHXH và trung tâm DVVL, nơi chi trả BHTN cho nên việc trao đổi thông tin còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiểm soát quá trình tham gia BHTN của NLĐ. "Trung tâm cũng không biết và không có công cụ nào để nhận biết NLĐ đã có việc làm mới ở đâu hay không. Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của NLĐ. Những trường hợp gian lận chỉ được nhận biết khi họ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm mới. Nhưng khi phát hiện được thì rất nhiều trường hợp đã "ăn gian" được vài tháng tiền TCTN rồi" - đại diện Trung tâm DVVL TP HCM cho biết.
Cần chế tài mạnh tay
Trong khi chờ đợi sự trung thực của NLĐ, nhiều chuyên gia về bảo hiểm cho rằng từ luật cho đến các biện pháp hành chính, sự phối hợp giữa DN và các cơ quan chi trả BHTN cần phải đồng bộ, quyết liệt thì mới ngăn chặn được việc trục lợi BHTN.
Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng nếu không có những biện pháp mạnh tay, đồng bộ thì nguy cơ mất cân đối Quỹ BHTN sẽ xảy ra. Các trung tâm DVVL khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết BHTN của NLĐ là không có gì sai, bởi sổ bảo hiểm, mức đóng đã cụ thể trên hệ thống. Tuy nhiên, NLĐ đã có việc làm nhưng trong thời gian hưởng chế độ, chờ nhận hồ sơ vẫn không thông báo với trung tâm DVVL là vi phạm pháp luật. Nếu không kiểm soát được tình trạng trục lợi BHTN như hiện nay, số tiền thất thoát là rất lớn và gây thiệt thòi cho NLĐ bị rủi ro thật sự như bản chất của BHTN.
Cục Việc làm cũng cho biết điều 214 Bộ Luật Hình sự đã có hiệu lực, theo đó, việc gian lận tiền BHTN không chỉ dừng lại ở phạt hành chính mà còn bị truy tố hình sự với mức án khá cao (cao nhất 10 năm tù). Đây được xem là giải pháp mạnh tay nhất giúp hạn chế tình trạng gian lận quỹ BHTN. Có trường hợp đã đi làm chính thức nhưng NLĐ vẫn cố tình không tham gia BHXH, BHTN tại nơi mới để ung dung hưởng TCTN. Vì thế, Cục Việc làm đề nghị các DN khi tiếp nhận lao động hãy cập nhật ngay lên hệ thống bảo hiểm để cùng với chính quyền hạn chế trục lợi BHTN. Bằng hệ thống liên thông phối hợp như vậy sẽ góp phần loại bỏ những người vô tình hoặc cố ý trục lợi BHTN.
Quay trở lại với số lượng ngày càng gia tăng NLĐ đến các trung tâm DVVL để làm thủ tục hưởng BHTN, chúng tôi biết thêm rằng họ đang trong mùa "nhảy việc". Họ "nhảy việc" ngoài mong muốn thay đổi chỗ làm, muốn có thu nhập cao hơn thì đâu đó vẫn có lý do "nhảy việc" để được hưởng TCTN. "Khó trách NLĐ, luật nên làm chặt chẽ hơn để ý nghĩa thực chất của BHTN được phát huy vai trò" - một cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm DVVL TP HCM nói.
Luật sư ĐẶNG ANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự:
Nâng cao nhận thức cho NLĐ
Để ngăn ngừa tình trạng trục lợi BHTN, ngoài nghiên cứu, sửa đổi Luật Việc làm theo hướng tăng cường công tác quản lý, cần phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong DN. Công đoàn nên tăng cường công tác tuyên truyền cho NLĐ về BHTN, kêu gọi tính trung thực trong việc chấp hành pháp luật của NLĐ, kể cả người sử dụng lao động. Ngoài ra, các ngành chức năng cần phối hợp với các phương tiện truyền thông làm rõ các phương thức trục lợi, xử lý vi phạm để NLĐ biết, qua đó nhận thức được hành vi vi phạm của mình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-3
Kỳ tới: Sửa luật để ngăn ngừa trục lợi
Bình luận (0)