Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 1-2009, là chỗ dựa vững chắc cho người lao động (NLĐ) trong trường hợp bị mất việc làm, giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và sớm quay lại thị trường lao động.
Loay hoay tìm việc
Cuối tháng 2-2020, chúng tôi có mặt tại văn phòng Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP HCM để ghi nhận tình hình NLĐ đến đăng ký làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cũng như tìm kiếm việc làm. Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và theo quan sát của chúng tôi, có khá đông NLĐ mang khẩu trang đến làm thủ tục hưởng TCTN, chỉ một số ít có nhu cầu tìm việc làm.
Lê Thị H. (ngụ Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ rằng trước đây chị làm việc tại một công ty tư nhân trên địa bàn quận 2, thu nhập bình quân trên dưới 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019, công ty lâm vào khó khăn do đơn hàng khan hiếm, phải cho công nhân (CN) nghỉ chờ việc. Lo lắng cho tương lai nên chị và nhiều CN khác chủ động nộp đơn xin nghỉ việc. "Tiền thưởng Tết không có nên chúng tôi sống hết sức chật vật trong khi chưa tìm được công việc phù hợp. Giờ tôi chỉ trông chờ vào khoản TCTN này để đắp đổi qua ngày" - chị H. bộc bạch. Đi cùng chị H. còn có thêm 5 đồng nghiệp khác và họ cũng nhanh chóng khai báo, nộp các loại giấy tờ sau khoảng 1 giờ, nhóm chị H. nhanh chóng rời đi sau khi đã nhận đủ phiếu hẹn.
Ở nhiều bàn khai báo khác, chúng tôi gặp anh L.Đ.N, nhân viên kỹ thuật một hãng kinh doanh xe máy (100% vốn nước ngoài) cũng đến đăng ký hưởng TCTN. Anh N. cho biết 2 tháng đầu năm, do lượng khách sụt giảm nên công ty rơi vào khủng hoảng. Đích thân ông chủ người nước ngoài phải vận động cán bộ chủ chốt giảm 30% lương, riêng nhân viên trực tiếp (sale, thợ sửa chữa, chăm sóc khách hàng) nghỉ chờ việc luân phiên. Do việc làm không ổn định nên N. nộp đơn xin nghỉ việc để tìm cơ hội cho bản thân. Thế nhưng, gần nửa tháng trôi qua, N. vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. "Giờ tôi chỉ biết trông chờ vào khoản TCTN và cố gắng tìm cơ hội cho riêng mình" - anh N. chia sẻ.
Trao đổi với đại diện Trung tâm DVVL TP HCM, chúng tôi được biết đầu năm là khoảng thời gian mà NLĐ đến làm thủ tục giải quyết chế độ BHTN cao nhất trong các thời điểm của năm. Nhiều lý do để lý giải điều này nhưng chính biến động thị trường lao động đầu năm đang là nguyên nhân chính. NLĐ thường sẽ xin nghỉ việc khi nhận xong lương tháng 13 và đi tìm công việc mới, song song đó, họ sẽ đi làm thủ tục hưởng TCTN để ổn định cuộc sống.
Người lao động làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM. Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Doanh nghiệp lao đao, người lao động khốn khó
Số liệu thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy nếu như tháng 1-2020 chỉ có 29.849 người đăng ký nộp hồ sơ hưởng BHTN thì đến tháng 2-2020, con số này đã tăng lên 47.164 người, tăng 59,2% so với tháng 1 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của việc gia tăng này được chỉ ra là do thời gian nghỉ Tết nguyên đán rơi vào tháng 1, do vậy, số lượng hồ sơ hưởng BHTN tháng 2 tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự, nên số lượng NLĐ thất nghiệp tăng cao.
Thống kê nhanh tại một số tỉnh cho thấy tình hình thất nghiệp đang diễn ra khá phức tạp, với quy mô lớn. Tại TP HCM, trong tháng 2 có 9.872 lao động thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng BHTN, tăng 80,67% so với tháng 1 và tăng 57,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đầu tuần tháng 3, có tới 2.643 lao động thất nghiệp làm trong 1.957 DN nộp hồ sơ hưởng TCTN. Lao động thất nghiệp chủ yếu tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân. Tại tỉnh Bình Dương, trong tháng 2 có 3.835 lao động thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng BHTN, tăng 22,2% so với tháng 1 và tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết có khoảng 10% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất trong tháng 2. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số DN. Các DN thực hiện cắt giảm tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc. Nhiều DN đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ bảy, chủ nhật. Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500.0000 lao động đang làm việc, trong đó vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Theo Bộ LĐ-TB-XH, do vậy, tình hình dịch bệnh kéo dài thì nguy cơ hàng ngàn lao động thuộc ngành này cũng sẽ bị mất việc làm trong thời gian tới. "Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các DN này gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các DN thỏa thuận với NLĐ hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để NLĐ có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh" - lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết.
Kỳ tới: Còn nhiều lỗ hổng
Bình luận (0)