Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Bình Dương phản ánh về việc các cơ quan chức năng của tỉnh này liên tục trễ hẹn đối với cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, dù DN đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Sản xuất trì trệ
Mới đây, tại hội nghị đối thoại với bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Kim Young Jun, Giám đốc Công ty TNHH Remote Solution Việt Nam (KCN Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát), phản ánh thời gian qua, việc duyệt giấy phép cho lao động nước ngoài dài hơn so với giấy hẹn, làm chậm trễ các công việc tiếp theo của DN. Đại diện DN này đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần có giải pháp khắc phục.
Đây cũng là bức xúc trong thời gian qua của Công ty TNHH M2 Global (thị xã Bến Cát). Khi phóng viên hỏi về quá trình cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, đại diện DN nói "Khó lắm, mệt lắm". Vị này cho biết dù đã được cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách làm nhưng thủ tục còn rối rắm, hồ sơ phải sửa nhiều lần mới xong, chưa kể làm xong còn phải chờ đợi thời gian rất lâu mới có giấy phép.
Việc chậm cấp giấy phép cho lao động nước ngoài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH M2 Global
Hiện Công ty TNHH M2 Global có 7 lao động, chuyên gia người nước ngoài đang xin giấy phép, có hồ sơ đã làm từ tháng 7 đến nay vẫn chưa xong, việc chậm trễ này khiến DN gặp nhiều khó khăn khi triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh. "Đa phần lao động, chuyên gia người nước ngoài là những người có trình độ tay nghề, được công ty mẹ ở Đài Loan (Trung Quốc) cử sang để hỗ trợ nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, do vướng giấy phép lao động nên họ không thể qua, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN" - đại diện công ty này cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số DN tại Bình Dương đều đang gặp vướng mắc về việc xin cấp phép cho lao động nước ngoài, tình trạng này xảy ra khoảng hơn 1 năm nay. Lý do được một số DN tiết lộ là trước đây đa phần việc này đều có "dịch vụ" làm, với mức giá cho mỗi bộ hồ sơ có thời điểm là 1.000 USD. Nhưng từ khi cựu cán bộ, nhân viên Sở LĐ-TB-XH, Ban Quản lý các KCN bị bắt liên quan việc cấp giấy phép cho lao động nước ngoài thì dịch vụ này cũng ngưng, DN phải tự làm. Hiện đa số DN đều mong muốn ngành chức năng hướng dẫn kỹ hơn, đưa ra quy chuẩn rõ ràng để họ không phải mất nhiều thời gian cho việc này, đồng thời việc cấp phép phải thực hiện đúng hẹn để không làm lỡ kế hoạch của DN.
Nhiều vướng mắc
Trả lời phản ánh về việc này, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, lý giải là do gặp một số khó khăn về nhân sự, cũng như vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 70/2023/NĐ-CP dẫn đến việc giải quyết các thủ tục hành chính về người lao động nước ngoài thời gian qua còn chậm, trễ ít nhất từ 2 đến 5 ngày so với quy định.
Những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, như Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30-12-2020 của Chính phủ có nhiều nội dung bất cập - nhất là quy định về xác nhận kinh nghiệm làm việc, thời gian, các mẫu hồ sơ...; hồ sơ xin cấp giấy phép cho lao động nước ngoài ngày càng nhiều; xác minh hồ sơ đăng ký của các DN mất nhiều thời gian, do phải làm kỹ và rút kinh nghiệm từ các vi phạm xảy ra trước đây. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa nghiên cứu kỹ, đầy đủ, thực hiện chưa đúng các quy định về cấp giấy phép cho lao động nước ngoài theo Nghị định số 152/2020, trong đó có những hồ sơ nghi giả nên phải gửi các đơn vị, cơ quan xác minh, trả lại hồ sơ.
Ngoài ra, do phần mềm ứng dụng cấp giấy phép đã xuống cấp, quy trình thực hiện các bước không còn phù hợp, dẫn đến việc chuyển quy trình chậm; công tác phối hợp với các sở, ngành để chia sẻ dữ liệu, rà soát, kiểm tra, đối chiếu các thông tin về DN chưa đồng bộ, làm chậm trễ thời gian; chuyên môn của cán bộ tham mưu cấp giấy phép cho lao động nước ngoài còn hạn chế, cùng lúc phải làm nhiều việc…
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định tỉnh sẽ rà soát, có văn bản kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành trung ương để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan công tác quản lý người lao động nước ngoài. Ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh tích cực tổ chức những buổi gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với đại diện các hiệp hội, DN như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, DN chế biến gỗ, da giày… để lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, tích cực trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép cho lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Bình luận (0)