Ông Ánh cho biết, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến danh sách, hồ hơ doanh nghiệp nợ BHXH để tổ chức Công đoàn (CĐ) khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông có thể cho biết có phải khó khăn là do các hồ sơ bị Toà án trả lại do không đúng thủ tục vì thiếu sót ở khâu nào đó?
Ngày 14-4-2016, TAND Tối cao ban hành Công văn số 105, chỉ đạo TAND các cấp không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đồng thời trả lại hồ sơ những vụ án đã thụ lý. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi cơ quan BHXH không được khởi kiện, tháng 9-2016, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu giữa hai bên trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động
Theo quy chế, cơ quan BHXH có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức CĐ danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH cần khởi kiện, hồ sơ xác định nợ và các tài liệu khác có liên quan để phục vụ việc khởi kiện. Đến nay, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp hồ sơ 1.887 đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ BHXH cho CĐ để khởi kiện. LĐLĐ các tỉnh đã nộp 82 hồ sơ khởi kiện ra Tòa án; 2 vụ án Tòa án đã có Quyết định công nhận hòa giải thành, với tổng số tiền đã trả nợ sau hòa giải là 120 triệu đồng.
Cơ quan BHXH và tổ chức CĐ đã phối hợp đôn đốc, thuyết phục các đơn vị, doanh nghiệp trả nợ. Kết quả, nhiều doang nghiệp đã khắc phục hết nợ hoặc cam kết trả nợ theo lộ trình. Tính đến cuối tháng 4-2017, đã có 317 đơn vị, DN nợ tiền BHXH nộp hết số tiền nợ; 437 đơn vị, DN đã khắc phục một phần nợ với tổng số tiền thu được là hơn 260 tỷ đồng. LĐLĐ và BHXH một số tỉnh, thành phố đã chủ động tích cực thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ như: Thành lập Tổ giám sát và tiến hành giám sát tình hình DN nợ BHXH trước khi lập hồ sơ khởi kiện (LĐLĐ Đồng Tháp); thành lập Hội đồng Chỉ đạo và thực hiện khởi kiện (LĐLĐ Thừa Thiên - Huế); gửi thư nhắc nợ; thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành; chuyển danh sách các DN nợ BHXH cho cơ quan Thuế để điều chỉnh chi phí hoạt động của DN khi quyết toán thuế (BHXH TP HCM).
Như ông nói, số vụ mà tổ chức CĐ nộp đơn khởi kiện quá ít so với số DN nợ BHXH?
Mặc dù cơ quan BHXH đã chuyển hơn 1.800 hồ sơ cho tổ chức CĐ nhưng số vụ mà tổ chức CĐ nộp đơn khởi kiện còn rất ít (82 hồ sơ) trong đó có tới 63 hồ sơ bị Tòa án trả lại với lý do thiếu giấy ủy quyền của người lao động (NLĐ) hoặc giấy ủy quyền của tổ chức CĐ cơ sở. Có nơi, TAND đã thụ lý vụ án rồi lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Nhiều vụ ngừng việc xuất phát từ nguyên nhân doang nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài ảnh: CAO HƯỜNG
Ngoài ra, các DN thường trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện. Đây là những khó khăn thực tế gặp phải trong quá trình 2 bên phối hợp để thực hiện khởi kiện đơn vị nợ BHXH.
Một hướng đề xuất mới là để giải quyết vấn đề khởi kiện DN nợ đọng BHXH là cơ quan BHXH sẽ vừa thanh tra thu vừa có quyền khởi kiện DN. Để thực hiện theo hướng này thì phải sửa Luật BHXH hoặc Bộ luật Tố tụng Dân sự, có như vậy mới thúc đẩy quá trình thu hồi nợ tích cực, nhanh chóng, quan điểm ông ra sao?
Chúng tôi đồng tình với quan điểm này vì hiện tại, về việc này, BHXH Việt Nam trong thời gian tới sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội về việc sửa Luật BHXH và giao quyền khởi kiện cho cơ quan BHXH bên cạnh chức năng thanh tra.
Ngoài ra, quỹ BHXH không chỉ là phần thu từ NLĐ mà có một phần không nhỏ từ ngân sách Nhà nước đóng góp để đảm bảo an sinh xã hội (thông qua việc để lại lợi nhuận trước thuế của DN) mà chủ sử dụng lao động có trách nhiệm nộp vào quỹ BHXH.
Vì vậy, ngoài việc để tổ chức CĐ khởi kiện, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị các cấp, cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ quan BHXH (với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ BHXH) cũng có quyền khởi kiện đơn vị, DN nợ BHXH ra tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi không chỉ cho NLĐ mà còn cho lợi ích của Nhà nước và cả xã hội.
Theo ông, cần phải kiến nghị, đề xuất giải pháp gì để khởi kiện hiệu quả hơn, bảo đảm quyền, lợi ích của NLĐ?
Những khó khăn, vướng mắc khi cơ quan BHXH không được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH hay khó khăn, vướng mắc gặp phải khi tổ chức công đoàn thực hiện khởi kiện đơn vị nợ BHXH đã được BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo kịp thời với Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Cuối tháng 3 vừa qua tại cuộc họp liên ngành giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam, TAND Tối cao và các bộ, ngành có liên quan, vấn đề quyền khởi kiện của cơ quan BHXH, khó khăn khi tổ chức CĐ khởi kiện đã được thảo luận, xem xét. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành cơ bản nhất trí đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép cơ quan BHXH khởi kiện vụ án dân sự về nợ BHXH.
BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết quý I/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 14.019 tỷ đồng (bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ BHXH là 10.001 tỷ đồng, nợ BHTN 552 tỷ đồng, nợ BHYT 3.466 tỷ đồng.
Bình luận (0)