Chiều 21-12, đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Quyết định số 416/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới tại TP HCM.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết TP HCM hiện có 248.897 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 2.812.237 lao động. Tính đến ngày 15-12, TP HCM đã tiếp nhận Thoả ước lao động tập thể của 5.044 lượt doanh nghiệp; có 11.978 Công đoàn cơ sở đã phối hợp người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động và 12.978 Công đoàn cơ sở đã phối hợp người sử dụng lao động tổ chức đối thoại định kỳ. Trong năm 2022, có 31 doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM cho người lao động thôi việc vì lý do kinh tế với số lao động bị mất việc làm 2.969 người.
Đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM
Trước tình trang này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan để theo dõi tình hình doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời hướng dẫn người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định khi cắt giảm lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động ngay sau khi doanh nghiệp thông báo cắt giảm lao động nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động mất việc.
Đại diện Ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM cho biết có tình trạng bị giảm đơn hàng nhưng chưa có doanh nghiệp cắt giảm lao động. Đa số các doanh nghiệp khó khăn giải quyết cho người lao động nghỉ phép năm, giảm giờ làm hoặc không tái ký hợp đồng lao động khi hết hạn... Có khoảng 25 doanh nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng đơn hàng và khả năng sẽ giảm khoảng 2.000 lao động thời gian tới. Dù vậy, vẫn có một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với số lao động dự kiến khoảng 12.000 người trong năm 2023.
Liên quan đến thưởng Tết, đại diện quận Bình Tân thông tin qua khảo sát tại 144 doanh nghiệp có đông lao động địa bàn cho thấy các doanh nghiệp đều có thưởng Tết cho người lao động. Trước đó, một doanh nghiệp gặp khó khăn dự định không thưởng Tết, nhưng qua vận động của quận, doanh nghiệp đã cam kết sẽ có thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng cao nhất hiện nay được một doanh nghiệp trong quận công bố là gần 300 triệu đồng/người.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định TP HCM là địa bàn có nhiều doanh nghiệp và người lao động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã quan tâm hơn đến xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và chú trọng thực hiện các chính sách chăm lo cho người lao động. Thời gian tới, TP HCM cần nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp; nâng cao vai trò của Công đoàn, đặc biệt tăng cường tổ chức thành lập Công đoàn mới; tăng cường phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, không để thiếu hụt lao động khi kinh tế hồi phục. Đặc biệt, cần quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống cho người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đối với những doanh nghiệp khó khăn không có thưởng Tết cho người lao động thì thành phố phải có chính sách hỗ trợ kịp thời để người lao động an tâm đón Tết.
Bình luận (0)