Không thể tìm được công việc mới, nhiều công nhân (CN) mất việc tại TP HCM chuyển sang làm lao động thời vụ để kiếm "đồng vô đồng ra". Với họ, tìm được việc làm tại thời điểm này là điều rất may mắn.
Mong có áo mới cho con
Làm mẹ đơn thân nên 15 năm qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (quê Tiền Giang), CN Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM), luôn cố gắng làm việc để nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ đã già yếu ở quê. Giữa tháng 11-2022, chị Điệp nhận cú sốc khi biết mình nằm trong số gần 1.200 CN bị chấm dứt hợp đồng lao động, do công ty không có đơn hàng.
Gần một tháng qua, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chị rảo quanh các công ty gần khu trọ đang sống để tìm việc nhưng vô vọng. Bởi tình hình khó khăn chung, đa phần công ty đang muốn cắt giảm nhân sự chứ không có nhu cầu tuyển mới. Khoản tiền hỗ trợ của công ty dành cho CN mất việc cạn dần khiến chị thêm lo lắng bởi Tết đã cận kề. Cách đây vài hôm, chị khoe với tôi vừa xin được một chân phụ bếp tại một quán cơm gần nhà với thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. "Tôi may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khi đến giờ này họ vẫn chưa tìm được việc mới. Trong lúc khó khăn này, tranh thủ kiếm được đồng nào hay đồng đó để Tết này mua cho con bộ quần áo mới và ít quà cho ông bà vui xuân" - chị Điệp nói.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp xin làm phụ bếp cho một quán cơm gần nhà để cải thiện thu nhập Ảnh: HUỲNH NHƯ
May mắn hơn chị Điệp, chị Phạm Thị Ngọc Thắng (ngụ phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), chỉ phải nghỉ luân phiên do Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thiếu đơn hàng. Những ngày nghỉ chờ việc, chị được hưởng lương 180.000 đồng/ngày, không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt. Đảm đang, tháo vát nên những ngày rỗi việc, chị Thắng nhận nấu chè, xôi và giúp việc nhà để cải thiện thu nhập. "Từ ngày bị giảm giờ làm, thu nhập của tôi giảm đáng kể nên ai kêu gì làm nấy, chắt chiu từng đồng để có tiền về quê. Công việc tạm bợ hiện tại giúp tôi kiếm được từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Hy vọng Tết này bữa cơm sẽ có thêm thịt, cá" - chị Thắng bộc bạch.
Việc làm thời vụ: Có còn hơn không
Với CN mất việc, các công việc thời vụ dịp Tết trở thành lựa chọn phổ biến lúc này. Len lỏi trong các xóm trọ trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP HCM), chúng tôi thấy nhiều nhóm CN đang miệt mài ngồi làm vệ sinh gừng.
Mỗi nhóm từ 2-3 người quây quần xung quanh chiếc thau lớn, tay dùng dao, muỗng để làm sạch vỏ củ gừng. Gừng sau khi được cạo vỏ sẽ được chuyển về xưởng để làm mứt Tết. "Công việc đơn giản nhưng mà rất mất thời gian mà tiền công lại quá rẻ. Có hôm tụi tôi phải làm đến tận tối, hai tay phồng rộp cả lên" - chị Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết.
Chị Phượng làm CN may cho một công ty trên địa bàn đã hơn 20 năm. Cuộc sống CN dù khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng trụ lại thành phố bởi việc làm và thu nhập ổn định. Do vậy, khi bị công ty đưa vào diện cắt giảm lao động, chị rất buồn. Mất việc đột ngột buộc chị phải dè sẻn chi tiêu. Xóm trọ ẩm thấp, trời thì nắng như đổ lửa nhưng chị cũng không dám bật quạt. Chị cứ cặm cụi làm, mồ hôi ướt đẫm áo. Tiền công làm sạch 1 kg gừng là 4.000 đồng, trung bình một ngày chị Phượng kiếm được từ 70.000 -80.000 đồng. Với chị, kiếm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Không có tiền mua nấu nồi thịt kho thì cũng phải sắm được ít bánh mứt. Tết này, chị dự định sẽ đưa con gái 5 tuổi về Hậu Giang đón Tết với người thân. Còn hai vợ chồng ở lại TP HCM tranh thủ kiếm việc làm thêm dịp Tết.
Bất chấp cái nắng gắt, chị Giang Thị Kim Châu (ngụ quận 12, TP HCM) vẫn ngồi giữa một vườn hoa tại quận 12, TP HCM, tay thoăn thoắt tỉa lá. Vừa làm, chị Châu vừa chia sẻ: "Nghĩ quẩn mãi cũng không phải là cách. Mình còn gia đình thì phải lo, còn sức khỏe thì cứ chăm chỉ làm". Cách đây 2 tháng, công ty nơi chị làm việc đột ngột thông báo cho hàng trăm CN nghỉ việc do không có đơn hàng. Chị cố gắng xin việc khắp nơi, thế nhưng không chỗ nào phản hồi. Để có chi phí trang trải hằng ngày, ai thuê gì chị làm nấy. Lướt Facebook, thấy bài đăng tuyển nhân công làm vườn, chị tìm đến xin việc. Nếu chăm chỉ làm, mỗi ngày chị có thể kiếm được từ 250.000 - 300.000 đồng. Khi có việc, chủ vườn sẽ gọi điện thông báo cho chị. Công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, chỉ cần siêng năng và nhanh nhẹn. Chủ vườn không giới hạn giờ làm, ai làm bao nhiêu thì sẽ được hưởng bấy nhiêu. Cuối năm, tất cả các vườn hoa đều đang gấp rút chuẩn bị hoa cho kịp Tết nên cần rất nhiều nhân công.
Chị Giang Thị Kim Châu ổn định cuộc sống nhờ việc làm thời vụ tại một vườn hoa sau khi mất việc Ảnh: HUẾ XUÂN
Tương tự, chị Châu, chị Danh Thị Hạnh (ngụ quận 12, TP HCM) cũng làm phụ việc tại vườn hoa. Tuy mới làm 3 ngày nhưng chị đã quen với công việc tại đây. Chị Hạnh cho biết ngày trước khi còn ở quê cũng từng làm nông vì vậy chuyện nắng nôi không thành vấn đề. "Có việc là tốt lắm rồi. Công việc gần nhà, lại không quá vất vả nên tôi có thể đưa đón con" - chị Hạnh tâm sự.
Bà Trịnh Thị Kim Lan (chủ vườn hoa) cho biết việc thuê nhân công là CN vào làm việc tại vườn cũng không ảnh hưởng đến chất lượng hoa Tết. Vườn ưu tiên thuê CN mất việc để họ kiếm thêm thu nhập. Đối với những người đã kinh nghiệm thì được trả công 27.000 đồng/ giờ, người mới vào làm thì 25.000 đồng/giờ.
Không để người lao động nào không có Tết
Với phương châm "Tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có Tết", Tết Quý Mão 2023, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức chương trình "Chợ Tết Công đoàn" nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi phục vụ NLĐ; tổ chức tư vấn, khám sức khỏe, tư vấn pháp luật và tặng quà cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các cấp Công đoàn sẽ phân bổ 60.000 quà Tết cho CN khó khăn, mỗi phần trị giá 500.000 đồng do UBND tỉnh hỗ trợ. LĐLĐ tỉnh cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ khoảng 70.000 lao động (500.000 đồng/trường hợp); hỗ trợ 150.000 phần quà (1 triệu đồng/phần) cho đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính của LĐLĐ tỉnh.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp CĐ căn cứ vào tình hình thực tế của từng đơn vị để hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ (không quá 10% tổng số đoàn viên đơn vị đang quản lý), mức hỗ trợ tiền mặt trị giá 500.000 đồng/người...
T.Lâm
Bình luận (0)