Làm rõ hơn về những thay đổi trên, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, quy định về tiền lương, nhất là tiền lương tối thiểu trong lần sửa đổi này về cơ bản đã đáp ứng theo tinh thần chỉ đạo của nghị quyết số 27/NQ-TW. Trong đó, đã thay khái niệm nhu cầu sống tối thiểu bằng mức sống tối thiểu để phù hợp hơn, bổ sung thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia là những chuyên gia kinh tế - xã hội để đảm bảo khách quan trong việc đưa ra các căn cứ thương lượng.
Một trong những điểm nhấn là dự thảo đề xuất quy định để doanh nghiệp được quyền xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, tiến tới giảm dần sự can thiệp của nhà nước vào chính sách tiền lương trong doanh nghiệp.
Nhưng, với chính sách này, có quan điểm bày tỏ lo ngại, doanh nghiệp có thể lợi dụng kẽ hở về mặt chính sách để trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, bằng lập luận là để phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, thực tế khả năng chi trả của doanh nghiệp được đánh giá trên rất nhiều yếu tố tổng thể, liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội nên rất khó xác định.
Ảnh minh họa
Hơn nữa, trong quá trình thương lượng, tổ chức Công đoàn luôn cho rằng tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, đời sống của một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn, nên tiền lương cần tăng cao hơn.
Trong khi đó, doanh nghiệp lại lập luận là nếu mức tăng quá cao thì doanh nghiệp không có hoặc vượt quá khả năng chi trả dẫn đến phá sản, giải thể. "Năm vừa rồi, khi tiền lương tối thiểu tăng, chúng tôi thấy doanh nghiệp kêu rất nhiều, nhưng thực tế khảo sát cho thấy, doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, chúng tôi thừa nhận tiền lương tối thiểu cũng phải tính đến "sức khỏe" của doanh nghiệp để đảm bảo hài hòa giữa các bên. Từ trước đến nay, căn cứ này thường được xác định dựa trên cảm tính nhiều hơn", ông Quảng bày tỏ.
Dưới góc độ tổ chức đại diện người lao động, song ông Quảng cũng khẳng định, xu hướng của cơ chế thị trường là phải tiến tới giảm dần sự can thiệp của nhà nước vào tiền lương trong doanh nghiệp cũng như vào quan hệ lao động. Thay vào đó, nhà nước chỉ đóng vai trò "bà đỡ", và chỉ quy định một số chính sách hỗ trợ, mức sàn lương tối thiểu.
"Chúng ta phải chấp nhận đây là xu hướng tiến bộ của quan hệ lao động, của cơ chế thị trường. Khi nhà nước giảm can thiệp thì vai trò của tổ chức công đoàn và bản thân người lao động trong thương lượng phải nâng cao hơn, người lao động phải "mạnh dạn" mặc cả hơn. Lâu nay do chưa thương lượng được nên phải chờ tiền lương tối thiểu hằng năm, chứ thực tế tiền lương tối thiểu chỉ là sàn thấp nhất. Tiền lương phải là giá cả sức lao động, mà như vậy thì phải trả theo cơ chế thị trường", ông Quảng nhấn mạnh.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh rất chia sẻ với người lao động vì nằm trong thế yếu, nhưng xu hướng của kinh tế thị trường thì nên mặc cả, đặc biệt là về tiền lương. Tuy nhiên, muốn mặc cả được phải đi liền với các chính sách đồng bộ khác.
Cũng thừa nhận còn những bất cập, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chính sách tiền lương hiện hành đang mâu thuẫn ở chỗ quy định tiền lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, trong khi nhu cầu này là vô cùng. Bên cạnh đó, quy định thang lương, bảng lương phải có sự quản lý của nhà nước trong quá trình triển khai là rất khó thực hiện được.
"Tiền lương là để trả cho giá trị sức lao động trên thị trường, giá trị thế nào thì giá cả sức lao động như thế, vậy tại sao nhà nước lại can thiệp vào tiền lương của doanh nghiệp. Tiền lương phải phân cấp cho các doanh nghiệp, nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý mức tiền lương tối thiểu. Hội đồng Tiền lương quốc gia hằng năm công bố mức này để đảm bảo mức sống cho người lao động và gia đình họ", ông Lợi đề xuất. Ngoài ra, theo ông Lợi, quyền xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, tiền thưởng phân phối như thế nào cũng phải giao cho doanh nghiệp và người lao động thương lượng với nhau.
Góp ý thêm vào nội dung tiền lương trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, bên cạnh tiền lương tối thiểu theo tháng, cần bổ sung quy định về tiền lương tối thiểu theo giờ. Lý do là thị trường lao động luôn biến động nên không phải người lao động nào cũng làm trong các công xưởng theo hợp đồng, và làm đủ ngày trong một tháng, thậm chí có nhiều loại hình lao động linh hoạt. Hơn hết, trong thực tế những lao động không làm đủ tháng thường bị vi phạm quyền lợi nhiều hơn.
Bình luận (0)