Tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa phối hợp với Tổ chức Betterwork Việt Nam tổ chức hội thảo "Các giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn (CĐ) trong công tác an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ)". Hơn 50 cán bộ CĐ đến từ 10 tỉnh, thành phía Nam đã tham dự.
Năm 2019, cả nước xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động
Tại hội thảo, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, thông tin: Trong năm 2019, cả nước xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.327 người bị thương, trong đó 979 người chết và 7.892 người bị thương nặng. Như vậy, bình quân mỗi ngày có 3 người lao động (NLĐ) bị TNLĐ cướp đi sinh mạng và 5 người bị đe dọa sức khỏe. Đây chỉ là con số thống kê của 5,9% tổng số DN, nếu 100% DN thực hiện chế độ báo cáo theo quy định thì con số trên sẽ còn cao gấp nhiều lần.
Bảo đảm an toàn trong sản xuất là trách nhiệm của người sử dụng lao động Ảnh: HỒNG ĐÀO
Tại TP HCM, năm qua cũng đã xảy ra 835 vụ TNLĐ khiến 856 người bị nạn, trong đó 94 vụ làm chết 95 người. Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM, các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu do lỗi của người sử dụng lao động (chiếm 76,9%) vì chưa quan tâm đến công tác AT-VSLĐ; không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho NLĐ khi làm việc; kế hoạch thực hiện AT-VSLĐ tại DN được lập ra theo kiểu hình thức, đối phó, trong khi công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa được sâu sát, kịp thời… Một nguyên nhân khác theo ông Trịnh Hồng Lân, Phân Viện trưởng Phân viện Khoa học AT-VSLĐ và Bảo vệ môi trường, là các DN chưa thật sự quan tâm nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro và biện pháp phòng ngừa và phòng ngừa các nguy cơ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp (BNN), trong khi đây là những hoạt động đóng vai trò định hướng cho các hoạt động khác về quản lý AT-VSLĐ.
Sản xuất phải an toàn
Nhiều mô hình hay trong việc phối hợp cùng DN thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro về AT-VSLĐ, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho NLĐ đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.
Ông Phạm Hồng Thái, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Tiền Giang, cho biết từ năm 2005 đến nay công ty không có trường hợp NLĐ bị TNLĐ hay BNN. Để đạt được kết quả đó, hằng năm, công ty xây dựng kế hoạch cụ thể và dành kinh phí 3 tỉ đồng cho công tác AT-VSLĐ. Công ty cũng đã thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động gồm 12 thành viên để theo dõi tình hình AT-VSLĐ và lập Ban Huấn luyện nội bộ, trong đó có 3 cán bộ CĐ để xây dựng hệ thống chương trình huấn luyện AT-VSLĐ cho NLĐ. Ngoài ra, công ty còn xây dựng chương trình đánh giá rủi ro định kỳ hằng năm ở tất cả phân xưởng, để từ đó lên kế hoạch khắc phục những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình sản xuất. Các công việc có nguồn lửa, trong các khu vực hạn chế, làm việc trên cao… trước khi thực hiện, NLĐ phải xin giấy phép và được kiểm tra, giám sát an toàn nghiêm ngặt theo biểu mẫu quy định của tập đoàn. "Vào 30 phút giải lao giữa giờ, CĐ tổ chức tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến AT-VSLĐ, bao gồm cả việc tiếp nhận thông tin phản ánh của NLĐ về các vấn đề an toàn lao động để nắm bắt và giải quyết kịp thời. Để cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ, công ty còn phát động phong trào trồng, chăm sóc cây xanh. Nhờ vậy, đến nay công ty có 5 công viên cây xanh bao phủ 1/3 diện tích. Mô hình "văn phòng xanh" nơi làm việc và phân loại rác tại nguồn… cũng được NLĐ hưởng ứng nhiệt tình mang lại hiệu quả khá tốt" - ông Thái cho hay.
Là DN hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, nguy cơ mắc BNN khá cao, do vậy, việc bảo đảm AT-VSLĐ luôn được Công ty CP Tico (quận Tân Phú, TP HCM) đặt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch CĐ công ty, cho hay hằng năm, ngoài tham mưu cho ban giám đốc lập kế hoạch về AT-VSLĐ, CĐ cơ sở còn đề xuất cấp phát bảo hộ lao động cho NLĐ. Bên cạnh đó, CĐ cơ sở còn thành lập đội an toàn vệ sinh, rải đều ở các bộ phận để giám sát công tác AT-VSLĐ. Thành viên trong đội được đưa đi đào tạo về AT-VSLĐ và sơ cấp cứu hằng năm. Công tác vệ sinh nhà xưởng được CĐ triển khai hằng ngày và định kỳ 3 tháng/lần vệ sinh toàn bộ nhà xưởng. Toàn bộ máy móc, thiết bị cũng được tổ bảo trì kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, số giờ vận hành. Hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy, kho bãi cũng được kiểm tra thường xuyên để phòng cháy, nổ. Nhờ các giải pháp đồng bộ đó, nhiều năm qua, an toàn về sức khỏe của NLĐ tại DN này luôn được bảo đảm.
Để ngăn ngừa TNLĐ, DN cần lựa chọn cán bộ làm công tác AT-VSLĐ có đủ năng lực, biết cách đánh giá rủi ro, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong sản xuất để kịp thời xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ CĐ trong công tác tham gia điều tra, kết luận TNLĐ góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ".
Ông LÊ ANH TUẤN, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM
Bình luận (0)