Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, năm 2016 tổng số nợ tiền BHXH, BHTN, BHYT của các tỉnh, thành phố là hơn 14.200 tỉ đồng; trong đó, nợ BHXH 9.550 tỉ đồng, nợ BHTN 516 tỉ đồng, nợ BHYT 4.170 tỉ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước…. Nguyên nhân nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa cao; do doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh;… bên cạnh đó còn do công tác phối hợp giữa tổ chức Công đoàn và Ngành BHXH để khởi kiện các DN nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ra tòa chưa hiệu quả.
Nhằm triển khai có hiệu quả công tác khởi kiện các DN nợ đọng BHXH, ngay sau khi Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01-01-2016), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể như: ban hành hướng dẫn Công đoàn (CĐ) các cấp tiến hành khởi kiện theo Luật CĐ, Luật BHXH năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động; Tổ chức các lớp tập huấn về biện pháp tiến hành khởi kiện những đơn vị nợ đọng BHXH cho đội ngũ CĐ các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, trong tháng 9-2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với BHXH Việt Nam; chủ động phối hợp với BHXH Việt Nam chọn 15 tỉnh, thành phố có số lao động lớn, với các quan hệ lao động phức tạp để thí điểm triển khai công tác khởi kiện. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam còn phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Đoàn Giám sát liên ngành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Hà Nội, TP HCM và Bình Dương.
Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết các cơ quan đã tiến hành khởi kiện 76 DN lên Tòa án các cấp, dự kiến sẽ tiếp tục khởi kiện tiếp 74 doanh nghiệp nữa. Ngoài ra, trước khi khởi kiện ra Tòa án, nhiều LĐLĐ tỉnh còn gửi thông báo đến các DN sẽ khởi kiện họ nếu không khắc phục hậu quả, nhờ vậy đã thu lại 24 tỷ đồng nợ BHXH.
Bình luận (0)