Giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều khu trọ tại tỉnh Bình Dương rơi vào tình cảnh ế ẩm do khách trả phòng để về quê. Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, rất nhiều chủ nhà trọ đã ồ ạt đăng tin, treo biển cho thuê để thu hút khách.
Tìm người thuê ở
Quanh các KCN lớn như Sóng Thần, Việt Nam - Singapore, Việt Hương..., hầu như gia đình nhà nào cũng kinh doanh dịch vụ phòng trọ. Thời gian này, đa phần đều trống khoảng 30%-50% số lượng phòng trọ.
Ông Nguyễn Đức Kiệt - có dãy trọ tại khu dân cư 434, khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương - cho biết gia đình ông có khoảng 70 phòng trọ thì nay trống hơn 30 phòng, chủ yếu do công nhân (CN) đã về quê tránh dịch. "Trước giờ nhà trọ của tôi vẫn luôn kín khách thuê phòng, hiếm lắm mới có phòng trống và chưa bao giờ trống hàng chục phòng như thế này" - ông Kiệt nói. Trong đợt dịch này, dãy nhà trọ của ông Kiệt có hơn 70 ca mắc Covid-19. Theo ông Kiệt, có thể do tâm lý lo sợ dịch bệnh nên nhiều CN chọn giải pháp về quê. Tương tự, ông Nguyễn Văn Đẹp (khu phố Bình Phước A, phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) cũng lao đao vì CN ở trọ thi nhau về quê. "Có thời điểm dãy trọ tôi trống gần 10 phòng, chủ yếu là lao động tự do trả phòng để về quê, đợi bớt dịch mới trở lại làm việc" - ông Đẹp cho biết. Gia đình ông Đẹp có hơn 40 phòng, với giá thuê từ 1-1,2 triệu đồng/phòng. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc cho thuê phòng trọ, nên việc nhiều CN trả phòng bỏ về quê khiến ông lâm cảnh chật vật. Tại tỉnh Bình Dương, người lao động (NLĐ) chủ yếu từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống và làm việc, hơn 80% trong số này vẫn đang phải ở trọ. Nguồn thu từ loại hình kinh doanh này rất thịnh nhưng khi tình hình dịch bệnh phức tạp, CN rời thành phố để về quê thì nhiều chủ nhà trọ điêu đứng vì chưa thu đủ vốn để trả ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Đẹp trao tiền hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cho người thuê trọ
San sẻ chi phí sinh hoạt
Khó khăn là vậy, song trong đợt dịch vừa rồi, ngoài giảm 40% tiền phòng, ông Đẹp còn lặn lội đi xin hàng cứu trợ cho CN ở trọ, chủ yếu là lương thực - thực phẩm. Không những vậy, khi phát hiện có F0 trong phòng trọ, ông Đẹp chủ động liên hệ y tế để hỗ trợ người thuê được điều trị sớm. "Giúp được gì cho CN thì tôi không nề hà, vì đa phần đời sống của họ còn nhiều khó khăn, lại không có người thân thích" - ông Đẹp nói.
Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, vợ chồng ông Đẹp đều bỏ tiền túi mua quà tặng cho CN. Do vậy, khi tỉnh Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều CN về quê tránh dịch trước đó đã quay lại thuê phòng. "Nhiều CN ở đây từ lúc tôi mới xây phòng cho thuê, có người sau khi có nhà riêng vẫn đến thăm tôi" - ông Đẹp kể. Cũng xem người thuê trọ như con cháu trong gia đình, ông Nguyễn Hữu Hòa và bà Vũ Thị Thúy (khu phố Tân Long, phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An) luôn được người thuê trọ yêu mến gọi bằng cái tên thân thương "bố, mẹ". Hiện tại, vợ chồng ông có 80 phòng trọ với gần 300 người thuê. Bà Thúy cho biết: "Bản thân tôi cũng là người xa quê tới Bình Dương lập nghiệp. Thấu hiểu được sự vất vả của CN ở nơi đất khách quê người nên nhiều năm qua, gia đình tôi không tăng giá tiền phòng, điện, nước, xem đó là cách san sẻ khó khăn với họ".
Chị Thông Thị Thu Hương (quê An Giang), CN ở KCN Tân Đông Hiệp, thuê trọ ở đây hơn 4 năm. Dù sống xa gia đình nhưng chị và nhiều CN ở trọ vẫn cảm nhận được sự đối đãi chân tình mà chủ nhà trọ dành cho họ. Có những năm không về quê ăn Tết, họ được chủ nhà trọ mời lên nhà dùng bữa cơm thân mật cuối năm và lì xì cho mỗi người 200.000 đồng. Không những vậy, vào các ngày lễ, Tết, vợ chồng chủ nhà trọ còn lui tới thăm hỏi, tặng mỗi phòng một hộp bánh. Những việc làm tuy nhỏ nhưng mang đậm tính nhân văn của một số chủ nhà trọ đã phần nào giúp CN bớt lo toan.
Bình luận (0)