Tại buổi tiếp xúc, ban tổ chức đã nhận 21 ý kiến thảo luận, góp ý của các đại diện sở ngành, luật sư và cán bộ CĐ, trong đó hầu hết các ý kiến đều tán thành với tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: kết nạp đoàn viên là lao động người nước ngoài; miễn, giảm kinh phí cho các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, phải tạm dừng sản xuất; đổi mới để cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) trong tương lai…
Cán bộ Công đoàn cơ sở đóng góp ý kiến tại buổi tiếp xúc
Về vấn đề kinh phí CĐ, nhiều đại biểu cho rằng phương án phân cấp kinh phí về cơ sở với tỉ lệ 75% theo phương án 1 trong tờ trình là hợp lý, tuy nhiên cần có cơ chế linh động để cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được phân cấp và việc thu chi kinh phí phải được công khai, minh bạch để đoàn viên và chủ DN biết. Để tạo điều kiện cho CĐ hoạt động, pháp luật cần có thêm cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ cũng như biện pháp chế tài các DN nếu có hành vi can thiệp, cản trở việc thành lập tổ chức CĐ, tổ chức đại diện NLĐ.
Phát biểu tại hội nghị, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho biết thời gian qua, Việt Nam đã thông qua một số hiệp định, công ước, do đó hệ thống pháp luật, trong đó có Luật CĐ, phải thay đổi cho phù hợp. "Vai trò, sứ mệnh của tổ chức CĐ Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục phát triển, là chỗ dựa tin cậy cho NLĐ. Tuy nhiên, có những vấn đề tổ chức CĐ cần nghiên cứu để ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động như: nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ CĐ, đổi mới phương thức hoạt động để bảo vệ tốt nhất, chăm lo kịp thời cho đoàn viên…" - bà Tuyết nhấn mạnh.
Bình luận (0)