Phóng viên: Đại diện vẫn là chức năng xuyên suốt của tổ chức Công đoàn (CĐ), song không vì thế mà chúng ta bỏ quên nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động (NLĐ). Từng là người phụ trách tuyên giáo của CĐ TP, ông đánh giá thế nào về hiệu quả công tác này của các cấp CĐ trong nhiệm kỳ 2013-2018?
- Ông Nguyễn Việt Cường: Liên tục đổi mới và sáng tạo, hướng mọi hoạt động về cơ sở và NLĐ là đặc điểm nổi bật của CĐ TP, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, công tác tuyên truyền giáo dục, định hướng chính trị, tư tưởng, thông tin thời sự trong CNVC-LĐ luôn được các cấp CĐ TP tổ chức đa dạng và phong phú, đổi mới về nội dung lẫn hình thức phù hợp với nhu cầu, đặc điểm ngành nghề của CNVC-LĐ. Ngoài giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, vai trò của giai cấp công nhân (CN), các cấp CĐ còn chủ động thông tin thời sự, định hướng tư tưởng, dư luận cho đoàn viên, CNVC-LĐ về quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tổ chức CĐ.
Đặc biệt, Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được LĐLĐ TP cụ thể hóa thành 6 tiêu chí "Trung thực - Trách nhiệm - Chủ động - Hợp tác - Chia sẻ - Tiết kiệm" được triển khai sâu rộng đến cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ dưới nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN), góp phần làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, ý thức trách nhiệm, lối sống và trở thành hành động tự giác trong cán bộ, đoàn viên CĐ, CN lao động. Các cấp CĐ TP còn chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể TP tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, văn hóa công sở, văn hóa DN trong CNVC-LĐ với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, sát hợp, từ đó thống nhất trong việc phối hợp triển khai, đưa nội dung pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của NLĐ và người sử dụng lao động.
Mô hình tập hợp NLĐ nào mà ông tâm đắc nhất?
- TP HCM là địa phương đầu tiên khởi xướng xây dựng mô hình tổ CN tự quản tại các khu nhà trọ và đến nay ý tưởng độc đáo này được nhân rộng ra cả nước. Con số 1.659 tổ CN tự quản với 109.312 thành viên, hoạt động tại 93 phường, xã có nhà trọ đã khẳng định sức lan tỏa cũng như tính hiệu quả trong việc tập hợp CN của mô hình này. Thông qua mô hình tổ CN tự quản, các cấp CĐ TP đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật cho CN lao động gắn với việc xây dựng khu nhà trọ "Xanh - Sạch - Đẹp"; "Văn minh - Nghĩa tình", không có ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu "Ba giảm" và phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"…
Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM) luôn gần gũi với công nhân Ảnh: VĨNH TÙNG
Một số CĐ cấp trên còn vận động chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng, đăng ký mua điện, nước sinh hoạt đúng giá; tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ CN khó khăn, nhất là CN nhập cư. Các chương trình như "Giờ thứ 9", game show, bán hàng giảm giá cho CN ở trọ… do các cấp CĐ triển khai đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, đặc biệt là đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CN. Rõ ràng, thông qua hoạt động của tổ CN tự quản, tổ chức CĐ TP giúp NLĐ hiểu đúng hơn về vai trò của một tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho họ; đồng thời huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng chung tay chăm lo cho CN.
Xu thế hội nhập không chỉ đòi hỏi tổ chức CĐ TP phải tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phương pháp quản lý và tổ chức phong trào mà còn phải đổi mới phương pháp tiếp cận NLĐ. Theo ông, cần thay đổi phương thức tiếp cận NLĐ như thế nào để phù hợp với tình hình mới?
- CN lao động sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc lại trở về với bộn bề lo toan, nào là cơm áo gạo tiền, chăm sóc con cái, giải quyết các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, đâu còn thời gian để nghiên cứu các luật định dài đến vài chục chương, điều. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của NLĐ ngày một nâng cao, do vậy cách tiếp cận và phương pháp phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật của tổ chức CĐ cũng cần phải có bước đột phá thực sự. Để thấu hiểu NLĐ, người làm công tác tuyên giáo CĐ phải có độ nhạy trong việc nắm bắt thông tin thời sự, đặc biệt là chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến NLĐ, biết cách lên kế hoạch giúp họ giải tỏa những bức xúc phát sinh trong quan hệ lao động lẫn cuộc sống thường nhật. Chẳng hạn ở khu vực ngoài quốc doanh, cán bộ tuyên giáo phải nắm thật chắc tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, biết cách kiểm chứng thông tin để từ đó giải tỏa gút mắc đối với từng vấn đề mà NLĐ quan tâm. Làm tốt điều này không chỉ giúp CĐ ngăn chặn kịp thời những hành vi có thể làm tổn thương đến quan hệ lao động mà còn tạo dựng được uy tín.
Khi được vận động gia nhập CĐ, chắc chắn NLĐ luôn cần câu trả lời cho các câu hỏi: Vào CĐ được lợi gì? Là đoàn viên thì quyền lợi có sự khác biệt với NLĐ hay không? Các loại hình DN ngày nay phát triển rất đa dạng và đặc điểm tâm lý của NLĐ từng ngành nghề có sự khác biệt rất rõ. Thực tế này đòi hỏi cách tiếp cận của tổ chức CĐ phải có sự thay đổi để bắt kịp xu thế chung chứ không thể rập khuôn. Cách tiếp xúc, tuyên truyền chính sách pháp luật đối với lao động giản đơn không nên quá cầu kỳ. Tại các DN, chỉ cần tuyên truyền bằng panô, áp phích nội dung cô đọng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, có hình ảnh sinh động là CN hiểu; hoặc cũng có thể tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa theo chuyên đề. Phương pháp giản đơn này chủ yếu tạo không khí vui tươi cho CN sau một ngày làm việc vất vả, giúp họ nâng cao kiến thức về mọi mặt theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Với đối tượng NLĐ trí thức, muốn tiếp cận họ thì trước tiên cán bộ CĐ phải là người am hiểu pháp luật, có bản lĩnh và kỹ năng vận động quần chúng.
Bình luận (0)