Những kịch bản "dài tập"
"Kịch bản" 1 – Đẳng cấp công sở: Bạn vừa đến chỗ làm, đồng nghiệp tiến lại gần nói "vỗ mặt" đại loại: "Dùng dầu gội gì mà lắm gầu thế nhỏ?"; "Hôi nách rồi cha nội ơi, kiếm cách khắc phục đi kẻo tui viêm mũi rồi nè"; "Bỏ thuốc đi nhé, nói chuyện mồm thúi hoắc à". Bạn bước vào nhà vệ sinh nam, đập vào mắt bạn là khẩu hiệu dán công khai: "Một bước tới gần bồn cầu – Một bước tới văn minh"… Từ từ, xung quanh bạn sẽ "vắng tanh như chùa bà đanh". Nguyên nhân vì sao thì bạn biết rồi đấy.
"Kịch bản" 2 – Siêu "móc túi": Bạn rủ đồng nghiệp đi ăn trưa, nhỏ kia chưa kịp nhận lời, lập tức một đồng nghiệp khác tiến lại gần bảo: "Cơm bình dân á, ai mà nuốt được cha nội. Mời người ta ít ra cũng cho đáng với tầm của người đẹp chứ. Qua nhà hàng kế bên đi". Ngày sinh nhật, bạn vừa đưa ra lời đề nghị: "Phòng mình đi nhậu vỉa hè một bữa", đã có 3-4 đồng nghiệp áp sát xỉa xói: "Vỉa hè nhậu xong rồi ói à? Qua nhà hàng nào có thứ ăn được chứ".
"Kịch bản" 3 – "Mượn gió bẻ măng": Trong môi trường công sở, chuyện chơi xấu thường xuyên xảy ra khi đối thủ cảm thấy bị đe dọa ở một phương diện nào đó và họ phải "ra tay" để phòng những hiểm họa. Biểu hiện của chiêu "mượn gió bẻ măng" là ban đầu họ vẫn cư xử bình thường, thậm chí còn giúp đỡ bạn. Nhưng khi có chuyện xảy ra, họ sẽ nhân cơ hội để "dìm" bạn xuống. Nếu nhẹ nhàng thì đó chỉ là việc họ đi nói xấu bạn với những người khác. Nặng nề hơn, họ còn có thể dùng đến các "tiểu xảo" về chuyên môn để đổ lỗi cho bạn trong công việc, thường xuyên rình mò những sai sót của bạn để báo cáo với cấp trên hoặc kể với các đồng nghiệp khác.
"Kịch bản" 4 – "Hoa phù thuỷ": Những người "đâm sau lưng" thường tỏ ra thân thiết, luôn ủng hộ và không bao giờ công kích bạn trước mặt người khác. Họ sẽ làm quen với gia đình bạn, thường xuyên đến chơi nhà, hẹn ra ngoài đi ăn với vợ/chồng bạn, kết bạn với vợ/chồng bạn trên mạng xã hội. Sau đó, họ sẽ chat với vợ/chồng bạn mỗi ngày, làm như vô tình để lộ những bí mật của bạn ở công ty. Chẳng hạn như: "Hôm nay mình thấy anh ấy đi ăn với đồng nghiệp nữ mới về cơ quan mình. Trẻ lắm. Quyến rũ nữa. Cẩn thận nhé. Và nhất là đừng nói cho anh ấy vì sao cậu biết. Thương cậu nên mới bí mật nhắn nha"...
"Kịch bản" 5 – "Xoá dấu giang hồ": Dù không còn là "ma mới" nữa nhưng cả đời bạn sẽ luôn được đồng nghiệp giao cho vô số việc "trọng đại" như: pha trà, rót nước, đổ gạt tàn đã đầy, mua café, lọc tài liệu, ghi chép sao kê văn bản, photocopy, giao việc thì chỉ được nhận những "cục xương" mà có hoàn thành cũng không ai nhìn thấy công sức hay sự cống hiến của bạn; bình xét thi đua không bao giờ có tên bạn, cả tuần "tối mắt tối mũi" vì bị nhờ vả những công việc không liên quan … Hễ cứ đụng đến chuyên môn là nghe: "Em làm thế sai rồi. Phải như này…" Lâu dần, bạn trở nên "vô hình", sự tồn tại của bạn chẳng có ý nghĩa gì nữa.
Ngựa hay là ngựa đường trường
Nguyên nhân nảy sinh vô vàn "chiêu thức", "mưu hèn kế bẩn" nơi công sở, phổ biến nhất là để lấy lòng sếp, thi đua, cạnh tranh doanh số, tham vọng leo lên vị trí cao hơn hoặc đẩy người khác đi để mình chắc chắn giữ được vị trí hiện tại. Thậm chí, thật buồn là nhiều trường hợp chỉ vì ghen ghét khi thấy đồng nghiệp xinh đẹp, giỏi giang và/hoặc giàu có hơn mình mà nhiều người bất chấp thủ đoạn để "hạ bệ" đối phương, ngay cả khi đó là người đã từng rất thân thiết với họ.
Đối sách tốt nhất với những "mưu hèn kế bẩn" là bạn cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, làm việc cẩn thận, xây dựng kế hoạch, lộ trình tỉ mỉ cho từng đầu việc; giữ thật kỹ các bằng chứng đảm bảo rằng bạn quang minh chính đại, chí công vô tư, làm tất cả vì công việc chung chứ không vì lợi ích cá nhân. Đối pháp này sẽ cực kỳ hiệu quả trong trường hợp bị đồng nghiệp đổ tội.
Đừng tìm cách "ăn miếng trả miếng", biến mình thành kẻ xấu xa như họ. Lời nói ở miệng người nói, bạn sẽ không bao giờ quyết định được những gì ngoài bạn, dù muốn hay không. Chiến thuật "im lặng là vàng" đặc biệt cần chú trọng mỗi khi có xung đột xảy ra. Không phải bạn kém cỏi, mà là hành động bao giờ cũng hay hơn lời nói. Tranh luận có thể dẫn tới đẩy bạn và đồng nghiệp ra hai bên "chiến tuyến" nhưng nếu bạn trả lời bằng hiệu quả từ hành động thực tế, ai cũng sẽ nhìn thấy điều đó. Thay vì "gây thù chuốc oán", hãy tự nâng cao năng lực bản thân, hoàn thành công việc và báo cáo kết quả sớm để sếp biết được sự thực về bạn.
Bình luận (0)